Trắng đêm kiểm tra ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử (hàng đầu) trực tiếp trao đổi với cán bộ tỉnh, cơ sở, chủ lò mổ và khách hàng, tuyên tuyền, nâng cao ý thức trong thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Cà Mau.

Biểu dương sự hiểu biết và cố gắng trong ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Tại lò giết mổ gia súc tập trung ở Phường 4 (TP. Cà Mau), không khí lao động diễn ra khá tất bật. Hành chục con heo được giết mổ, phân khúc và vận chuyển ra các chợ. Cán bộ thú y luôn túc trực tại lò làm nhiệm vụ, đóng dấu chứng nhận lên từng sản phẩm.

Tại lò giết mổ ở Phường 9 (TP. Cà Mau), tuy quy mô nhỏ hơn, nhưng không khí lao động ở đây cũng diễn ra khá rộn ràng, khẩn trương, kịp mang sản phẩm cung cấp ra thị trường.

Đối với lò giết mổ tại xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), hành chục xe vận chuyển sản phẩm lợn túc trực, ra vào vận chuyển thịt về trung tâm huyện, chợ trung tâm các xã: Tân Lộc, Trí Phải, Trí Lực… trước khi trời sáng.

Qua tìm hiểu, hầu hết cả chủ lò đều hiểu biết khá rõ về dịch tả lợn châu Phi, nhất là các đường lây lan, cách phòng ngừa, tiêu độc khử trùng.

Các chủ mang lợn đến đây giết mổ cho biết, phần lớn nhập từ tỉnh Bến Tre, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo khỏe mạnh, được kiểm dịch đảm bảo theo quy định. Hoạt động nhập lợn hơi hay xuất sản phẩm lợn ra lò mổ luôn được cán bộ thú y cơ sở giám sát chặt chẽ, đúng quy định.

Tại chốt kiểm dịch đặt ở Ấp 4, xã An Xuyên (TP. Cà Mau), dù đã hơn 2h của ngày mới, nhưng cán bộ thú y cùng các lực lượng trực nơi đây luôn chủ động, trong tâm thế sẵn sàng chốt chặn, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn nhập vào khu vực thành phố.

Chốt kiểm dịch tại xã Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình) cũng trong tình trạng tương tự, các cán bộ trực ở đây thức xuyên đêm chốt chặn, căng mắt không để một phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm lợn qua đây mà không được kiểm ra, tiêu độc khử trùng.

Vị trí trực canh tại Trạm Kiểm dịch Quản lộ – Phụng Hiệp vắng tanh vì cán bộ bận… ngủ. Đây không phải lần đầu tiên tại đây xảy ra trường hợp này.

Trạm kiểm dịch vắng tanh!

Hơn 4h15 phút sáng 28/5, đoàn kiểm tra đến Trạm Kiểm dịch trọng điểm nằm trên tuyến Quản lộ – Phụng Hiệp. Địa điểm trực canh nơi đây không một bóng người. Vào khu nhà của trạm thì cả trạm đều đang… ngủ, phải lay gọi mới dậy. Lý do được đưa ra là do thức cả đêm nên… đuối.

Không người chốt chặn nên mọi phương tiện ngoài tỉnh cứ lướt qua dễ dàng, đi vào trung tâm thành phố, tỏa về các huyện, nguy cơ có phương tiện vận chuyển “chạy dịch” là rất cao.  

Thực tế này không phải chỉ diễn ra ngay trong thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “Chống dịch tả lợn châu Phi như chống giặc”; Ban Bí thư Trung ương Đảng hay Tỉnh ủy , UBND tỉnh liên tiếp ban hành các Chỉ thị, nhiều công văn yêu cầu siết chặt công tác kiểm tra việc vận chuyển lợn, các sản phẩm lợn nhập vào các địa phương, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm này, mà cách đây 1 tuần, cũng tại Trạm này, tình trạng tương tự diễn ra khi Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải đến kiểm tra.

Cán bộ thú y cơ sở kiểm soát, xác nhận sản phẩm lợn ngay tại lò mổ trước khi đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử chỉ đạo: “Cần nâng cao nhận thức sâu sắc về dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp  phòng, chống, các hoạt động kiểm soát. Phải tăng tần suất tiêu độc khử trùng tại các lò giết mổ lợn, đặc biệt đối với các phương tiện vận chuyển lợn vào và vận chuyển sản phẩm lợn ra.

Ngoài việc thiết lập tuyến vành đai bảo vệ trên địa bàn giáp ranh, cần kiểm soát việc vận chuyển thịt lợn trên địa bàn toàn tỉnh. Để đạt mục tiêu này, rất cần có sự tham gia tự nguyện, trách nhiệm của toàn dân, khả năng “tự vệ” của tỉnh mới được nâng lên”.

Toàn tỉnh hiện có 26 lò giết mổ gia súc tập trung, phần lớn tập trung tại TP. Cà Mau, các huyện: Thới Bình, Cái Nước, Năm Căn.

Hiện khu vực Nam Sông Hậu đã có 5 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, chỉ còn Bạc Liêu và Cà Mau là chưa có. Vì thế, công tác chốt chặn, kiểm soát hoạt động nhập lợn, sản phẩm từ lợn, các phương tiện vận chuyển vào tỉnh càng khẩn cấp.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa trên tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng một cách nghiêm túc trước nhân dân, tránh lơ là, thiếu trách nhiệm, dễ để lại hậu quả lớn khi xảy ra dịch bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *