Tránh xâm phạm vùng biển nước ngoài: Ngư dân là chủ thể!

“Tài sản trên tàu nhiều hơn những gì sẽ khai thác được, nên không dám cá cược đâu”

Là một trong 4 hộ được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), ông Nguyễn Văn Phỉnh (Khóm 4) đã cho tàu vận hành vươn khơi từ năm 2018. Ông cho biết, Nhà nước hỗ trợ cho vay 15 tỷ đồng, gia đình bỏ vốn thêm hơn 2 tỷ đồng để hoàn thiện chiếc tàu công suất lớn này. Theo lịch trình, tàu ông đánh bắt trên vùng biển Đông, giáp ranh với Malaysia, Thái Lan…, khoảng 4 tháng mới vào đất liền một lần.

Ngoài phương tiện đánh bắt công suất lớn, hộ ông Phỉnh còn có 2 phương tiện công suất trên 520CV, đánh bắt trên vùng biển phía Tây, mỗi chuyến biển khoảng 7 ngày sẽ vào lại đất liền. Cả hai phương tiện do 2 người con trai của ông làm thuyền trưởng, nên ông rất yên tâm. Ông Phỉnh chia sẻ: “Tôi có cài đặt định vị tàu trên điện thoại, rảnh là tôi mở ra xem liền. Tàu hoạt động ở vùng biển nào, tọa độ mấy, trên điện thoại có báo hết. Nếu phát hiện thấy tàu di chuyển gần ranh giới nước bạn, là tôi gọi tàu quay lại. Vả lại trên tàu có thiết bị định vị hết, gần ranh giới là còi báo inh ỏi. Thêm nữa, tôi tin các con tôi không dám mạo hiểm, vì tài sản trên tàu nhiều hơn những gì chúng sẽ khai thác được, nên chúng không dám cá cược đâu”.

Ông Phỉnh quê gốc Bến Tre, về Cà Mau sinh sống hơn 40 năm và có hơn 20 năm kinh nghiệm lái tàu đánh bắt thủy sản xa khơi. Khi ông quyết định “lui” về phía sau, nhường vị trí thuyền trưởng lại cho các con, ông luôn giữ quan điểm “ăn chắc mặc bền”, không vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi tính mạng. Ông Phỉnh cho biết: “Cán bộ địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở về Luật Thủy sản và các quy định của pháp luật về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển, nên tôi hiểu và luôn nhắc nhở các con cũng như các thuyền viên trên tàu phải thực hiện nghiêm những quy định của Nhà nước”.

Không chỉ riêng hộ ông Phỉnh, mà nhiều ngư dân có phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất lớn đều thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước. Như hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa (Khóm 1, thị trấn Cái Đôi Vàm) làm chủ 6 phương tiện cào đôi với công suất 800CV, anh Nghĩa cho biết: “6 phương tiện của tôi đều có thiết bị giám sát hành trình, kết nối với nhau khi hoạt động trên biển. Ngoài việc giám sát hành trình, dự báo thời tiết… thì thiết bị còn giúp cho chúng tôi dễ nhìn thấy nhau trên biển hơn, khi có sự cố xảy ra cũng kịp thời ứng cứu”.

Ông Nguyễn Văn Phỉnh (Khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) cho biết, tàu ông đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua Smartphone được kết nối mạng, sẽ biết tàu ở vị trí nào trên biển.

Nói về khai thác trên biển, anh Nghĩa cho biết anh làm thuyền trưởng trên 1 tàu, 5 tàu còn lại anh nhờ anh em bà con có kinh nghiệm đứng ra làm thuyền trưởng. Phương tiện của anh chỉ hoạt động xa bờ khoảng 30 hải lý, hoạt động gần các đảo trên địa phận của lãnh thổ nước mình, vì anh Nghĩa cho rằng nghề biển “ngày làm tháng ăn”, nên nếu vi phạm vùng biển nước bạn hay khai thác trái phép trên biển lỡ bị bắt, bị phạt thì xem như bị “treo giò”, cả gia đình khó khăn.

Nhiều ngư dân cho rằng, khai thác thủy hải sản trên biển “ngày làm tháng ăn” nên không dám mạo hiểm xâm phạm vùng biển nước ngoài.

“Mưa dầm thấm sâu”

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, ông Nguyễn Văn Kha cho biết, địa phương có trên 300 phương tiện hoạt động trên biển, trong đó có hơn 40 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Để tuyên truyền cho ngư dân nắm được các quy định của Nhà nước về khai thác thủy sản, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng tổ chức các buổi tuyên truyền cho chủ tàu và thuyền viên nắm về các quy định, việc “thẻ vàng” đối thủy sản Việt Nam, thông qua các hình thức trực quan, phát tờ rơi, phát trên loa phóng thanh…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động ban đầu còn gặp rất nhiều khó khăn. Trọng điểm của công tác tuyên truyền là cần tuyên truyền đúng người, đúng việc, nhưng khi có đợt tuyên truyền thì thuyền trưởng hoặc chủ tàu không tham gia được, chỉ cử đại diện người trong gia đình đi thay, khi về không biết có truyền đạt lại hay không?!  Hoặc khi đi phát tờ rơi, tuyên truyền tại nhà, nếu không gặp chủ nhà thì dán tờ rơi ngoài cửa và cũng không biết chủ phương tiện có đọc được hay không?…

Bằng mọi hình thức, nhất định phải ngăn chặn tình trạng tàu cá trên địa bàn xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác trái phép trên biển, địa phương đã quyết liệt trong công tác tuyên truyền bằng hình thức “mưa dầm thấm sâu” để thông tin đến được từng hộ dân. “Chọn thời điểm ghe vô, thuyền viên, thuyền trưởng đã về nhà, chúng tôi cho phát bài tuyên truyền trên loa phóng thanh của thị trấn, phát đi phát lại nhiều lần nhằm thu hút sự chú ý lắng nghe của người dân”, ông Kha chia sẻ.

Cà Mau xử lý kiên quyết đối với chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng có hành vi đưa người, phương tiện khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Bằng biện pháp tích cực, hiện tại, công tác phối hợp tuyên truyền dần dà đã đi vào “quỹ đạo”, ngư dân trên địa bàn đã nâng cao nhận thức hơn, nhất là việc lắp thiết bị giám sát hành trình. Hiện tại, trên địa bàn đã có 97% phương tiện gắn thiết bị giám sát hành trình. Điều này phần nào hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát của lực lượng chức năng cũng như chủ tàu khi tàu hoạt động trên biển. Điều đáng vui mừng hơn là từ nhiều năm nay, trên địa bàn thị trấn không có phương tiện nào vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nỗ lực gỡ bỏ cảnh cáo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU và ngăn chặn hiệu quả tình trạng ngư dân vi phạm, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Theo đó, ngư dân khai thác trên vùng biển nước ngoài sẽ bị tước giấy phép vĩnh viễn và xử lý hình sự. Khi xuất bến, tàu phải phải bật thiết bị 24/24 giờ kết nối với trạm bờ của cơ quan chức năng để theo dõi. Tăng khung hình phạt và xử lý kiên quyết đối với chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng có hành vi đưa người, phương tiện khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *