Trên công trình ngăn sụt lún đê biển Tây

Theo ghi nhận tại hiện trường vào sáng ngày 21/3, hiện có một tổ máy bơm công suất lớn tại Vàm Kinh Mới với nhiều tuyến ống lớn đã đưa nước mặn vào con kênh ven thân đê. Cùng với đó, tại vị trí đấu tuyến đê tại Đá Bạc, một tổ máy bơm khác cũng đã chuẩn bị khởi động bơm nước ngoài biển vào bên trong.

Hệ thống bơm có công suất lớn liên tục đưa nước mặn vào kênh ven đê vốn khô cạn nhằm tạo phản áp.

Một lượng nước mặn nhất định đã được đưa vào con kênh ven thân đê.

Các tuyến kênh thông thương với tuyến kênh ven chân đê cũng đã được đắp đập nhằm ngăn không cho nước mặn tràn vào nội đồng; một lượng nước mặn nhất định đã tạo sự phản áp, ngăn chặn tình trạng sụt lún thân đê như đã xảy ra sự cố liên tiếp trong thời gian qua.

Các tuyến kênh liên kết với kênh ven thân đê đã được đắp đập nhằm ngăn không cho nước mặn đi sâu vào nội đồng.

Được biết, theo giải pháp xử lý, sau nước mặn sẽ tiếp tục bơm đất, cát ngoài biển để lấp con kênh này, hình thành mặt bằng tiến tới xây dựng khu dân cư cũng như tạo mái đê vững chắc phía bên trong.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện thân đê tại đoạn này khá “nhạy cảm” sau thời gian bị ảnh hưởng do khô hạn. Nhiều vị trí tiếp tục rạn nứt và có dấu hiệu lan rộng giữa lớp bê-tông thân đê và lớp đất mái đê phía trong, nguy cơ sụt lún tiếp theo là khá lớn; việc sạt lở khi mùa mưa đến sẽ khó tránh khỏi khi nước mưa len theo các vết này chảy xuống, sẽ kéo theo đất, đá trôi tuột theo nếu không kịp thời hình thành mặt bằng phía trong đủ độ cao.

Để tránh nguy cơ vỡ đê, hiện các lực lượng tại tuyến đê này vẫn tiếp tục gia cố mái đê phía ven biển bằng đất, cừ tràm, cùng với đó là lớp rọ đá, phía ngoài nữa là kè đá theo công nghệ mới nhằm tạo nhiều tầng, nhiều lớp, chuẩn bị ứng phó khi mùa mưa bão đến.  

Con người, vật tư, cơ giới đang được huy động và tập kết, thực hiện các công việc hộ đê, ứng phó trong thời điểm hiện tại cũng như chủ động trước mùa mưa bão.

Tuyến đê biển Tây đoạn từ Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây) đến Kinh Mới (xã Khánh Hải) luôn trong tình trạng dễ bị tổn thương và khá mong manh trước thiên tai, vì rất nhiều vị trí không còn đai rừng phòng hộ. Đoạn đê này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt thiên tai gây ra vào trung tuần tháng 8/2019, nghiêm trọng đến mức Cà Mau phải ban bố tình huống khẩn cấp để huy động lực lượng hộ đê.

Và gần đây, vào các ngày 18 và 23/2/2020, liên tiếp xảy ra 2 vụ sụt lún hoàn toàn mặt đê biển được xây dựng bằng bê-tông trên tuyến này với chiều dài gần 200m, có nơi sụt sâu hơn 2m, nguy cơ vỡ đê là rất cao. Nguyên nhân được xác định là do tuyến kênh ven chân đê đã khô cạn hoàn toàn do hạn hán, kéo theo đất dưới chân đê mất phản áp nên sụt xuống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *