Tri ân những người mẹ anh hùng!

Hy sinh vì quê hương

Ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường, người vợ, người mẹ nào cũng mong ngày đoàn tụ khi đất nước hòa bình. Nhưng họ đã không thể về với mẹ! Có nhà thơ đã ví rằng, vết chân chim trên khuôn mặt Mẹ VNAH như những giao thông hào của thời gian. Đó có lẽ là những vết hằn của bao năm chờ đợi, mong nhớ, đau thương…

Khi đất nước bị xâm lược, Mẹ VNAH Hà Thị Nho (ấp Cái Ngang, xã Định Bình, TP. Cà Mau) tiễn chồng và con lên đường theo tiếng gọi non sông. Bản thân mẹ ở lại làm hậu phương vững chắc cho cách mạng. Chồng của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Thanh Long (hy sinh năm 1974) và con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Bích (hy sinh năm 1968).

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng và Bí thư Thành ủy TP. Cà Mau Nguyễn Kiên Cường thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Nho.

Ở tuổi 91, Mẹ VNAH Hà Thị Nho lúc nhớ, lúc quên. Nhưng hồi ức về những năm tháng chiến tranh vẫn khắc sâu. “Người con trai thứ hai theo cách mạng khi chỉ mới 16 tuổi. Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con, mẹ tiếp tục nhận hung tin chồng hy sinh ở Giá Rai. Nỗi đau chồng chất nỗi đau nhưng mẹ vẫn cố gượng dậy, một mình gồng gánh đàn con thơ dại trong thời gian ác liệt của chiến tranh”, mẹ kể trong nỗi đau chưa nguôi.

Trong thâm tâm chúng tôi thán phục, không hiểu sao tuổi già giảm sự minh mẩn, khi quên ăn, quên ngủ, vậy mà hễ nhắc đến con mình, các mẹ lại kể tên, kể thứ vanh vách. Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, Mẹ VNAH Lê Thị Như (90 tuổi, ở ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) rơm rớm nước mắt nhớ về hai người con hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, là liệt sĩ Phan Văn Cọp và liệt sĩ Phan Văn Gấu. Họ đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống trên quê hương Thạnh Phú. Bản thân mẹ cũng là giao liên, nhiều lần bị giặc bắt, hăm he đủ điều nhưng mẹ kiên quyết không khai báo. “Có lúc mẹ không nhớ các anh đã hy sinh, kêu mấy đứa cháu dẫn đi thăm thằng Hai, thằng Ba đang bệnh nặng, chờ bà mang thuốc đến”, chị Quách Thị Rết, con dâu của mẹ kể lại.

Hơn nửa đời người sống dưới mưa bom bão đạn, khi hòa bình, các mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Mẹ trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực và lòng thủy chung, son sắt. Cuộc đời mẹ là biểu tượng của sự hy sinh cao cả. Nhưng mẹ không hối tiếc, vì máu xương của con mẹ được đáp đền bằng sự đổi mới của quê hương từng ngày. Các mẹ luôn nhắc nhở con cháu phải cố gắng sống tử tế, lo làm ăn, để không hổ thẹn với cha, anh, với truyền thống gia đình.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Như cùng con cháu vui mừng trước món quà nghĩa tình của đơn vị nhận phụng dưỡng trao tặng.

Trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng

Sau những mất mát, đau thương, trong mắt mẹ vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã nhận phụng dưỡng suốt đời, thường tới thăm hỏi, động viên các mẹ.

Theo Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội, toàn tỉnh có 2.460 Mẹ VNAH, hiện chỉ còn sống 158 mẹ. Với Mẹ VNAH không còn người thân, Sở phân công Trung tâm Bảo trợ xã hội trực tiếp nuôi dưỡng, chăm lo đến cuối đời.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đua (huyện U Minh) có con trai duy nhất hy sinh tại chiến trường Campuchia. Không còn người thân, nhiều năm nay mẹ sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Mẹ Nguyễn Thị Đua chia sẻ: “Ở đây mọi người đều dành cho mẹ sự yêu thương đặc biệt. Mẹ được bố trí một căn phòng sạch sẽ, được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Sự quan tâm này khiến mẹ vơi bớt nỗi đau khi thiếu vắng người thân”.

Hôm chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Lê Thị Như, cũng là lúc đoàn cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Cái Nước, đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ và lãnh đạo xã Thạnh Phú đến thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ nhân dịp 27/7. Trong căn Nhà tình nghĩa ấm áp, mẹ Lê Thị Như ôm xấp vải mới nhận trên tay vui mừng khôn xiết. Hay quên trước, quên sau, vậy mà cứ nhắc hoài con dâu may đồ sớm để mặc đi đám. Chị Quách Thị Rết, con dâu của mẹ, bộc bạch: “Tuy nhà ít đất sản xuất nhưng tôi cố gắng chăn nuôi, chồng tôi làm nghề mộc, để chăm lo chu đáo cho mẹ lúc tuổi già”.

Trong căn nhà khang trang của Mẹ VNAH Hà Thị Nho, hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai mẹ, cùng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được đặt ngay ngắn, trang nghiêm. Hôm đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm mẹ nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) năm nay, hay tin, mẹ cố gượng dậy nhưng vẫn không ngồi nổi vì đôi chân nhiều năm nay bị gãy xương và yếu dần. Mẹ xúc động, cảm ơn trước sự quan tâm của tỉnh. Chứng kiến hình ảnh ấy, trong lòng mỗi cán bộ có mặt đều thầm khâm phục, tri ân biết bao đức hy sinh cao cả của mẹ. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các Mẹ VNAH đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến, có những người mẹ đã trở thành những chiến sĩ, lập nên những chiến công hiển hách, nhiều mẹ đã đào hầm nuôi giấu cán bộ, chèo đò đưa chiến sĩ qua sông, bị giặc bắt tù đày, tra tấn nhưng vẫn hiên ngang đối mặt với quân thù. Hòa bình, các mẹ dạy bảo con cháu tích cực lao động sản xuất, sống gương mẫu để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Các mẹ xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thử hỏi từ địa đầu cực Bắc, Lũng Cú – Hà Giang cho đến cực Nam của Tổ quốc, đất mũi Cà Mau, nơi nào không có xương máu của cha ông đã đổ xuống, không có nỗi đau xé lòng của những người mẹ anh hùng? Tháng 7 – tháng tri ân, để mỗi người biết quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc, để tự soi rọi lại chính mình, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng, góp sức xây dựng quê hương đất nước, kế thừa thành quả vĩ đại của cha ông, làm rạng danh Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *