Triển vọng từ mô hình nuôi dế

Ông Hồng Văn Kiệt (ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) đang chuẩn bị chuồng trại, dụng cụ thả nuôi vụ mới.

Ông Hồng Văn Kiệt (ấp Bình Minh 2, xã Khánh Hưng) tập tành nuôi dế từ giữa năm 2019. Theo ông Kiệt, mô hình nuôi dế hội tụ 3 ưu điểm: Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với bà con hạn hẹp về nguốn vốn sản xuất. Trong đó, điều mà ông Kiệt thích nhất là chi phí sản xuất của mô hình nuôi dế thấp hơn nhiều so với các đối tượng nuôi khác.

Ông Kiệt cho biết: “Tôi nuôi cá cả chục năm. Cá bổi có, cá lóc, cá rô có. Đa phần chi phí sản xuất, nhất là thức ăn chiếm từ 50% trở lên. Bởi vậy, khi thị trường giá cả biến động chút là nông dân tụi tôi như ngồi trên đống lửa, lời lỗ không lường trước được. Còn mô hình nuôi dế này, chi phí thức ăn chiếm dao động chỉ 10 – 20% trong thu nhập. Thức ăn của nó chỉ tốn là thức ăn gà, bã tàu hủ, còn các loại: Lá khoai lang, lá khoai mì, rau củ bỏ thì tự tìm được. 1kg dế bán có giá trên 100 ngàn đồng thì chi phí thức ăn chỉ khoảng 20 ngàn đồng. Không chỉ có lợi về chi phí thức ăn mà hiệu quả sản xuất rất cao. 1 vỉ trứng dế vốn 200 ngàn đồng, nuôi tốt có thể cho ra 30 ổ trứng dế, mỗi vỉ trứng có giá 200 ngàn đồng, thu nhập cao mấy chục lần, còn bán dế con thì tùy theo bỏ mối hay bán lẻ có giá từ 80 – 150 ngàn đồng/kg. Năm rồi, tôi cũng bán 100 vỉ trứng cho người dân ở Sóc Trăng”.

Mô hình nuôi dế đáp ứng nhiều mong mỏi của bản thân lâu nay nên từ chỉ nuôi thử ban đầu, không bao lâu sau, ông Kiệt mở rộng lên 20 chuồng nuôi. Ông Kiệt phấn khởi cho biết: “Nếu 20 chuồng nuôi dế, cứ 45 ngày xuất bán cùng lúc thì bình quân cho 200kg dế, tính 1kg 100.000 đồng thì thu nhập 20 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn 2 – 3 triệu đồng, lợi nhuận còn 17 – 18 triệu đồng”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều đối tượng chăn nuôi khác, nuôi dế tuy dễ nhưng muốn có hiệu quả, nông dân phải tận tâm chăm sóc. “Như khâu cung cấp nước cho dế hàng ngày, nếu xịt nước qua loa cho có rồi đi chơi thì không cung cấp đủ nước, con dế bị khát cũng hao hụt, còn nếu xịt nước nhiều quá, vỉ nước bằng giấy ẩm mốc thì dế cũng hao hụt, ông Kiệt cho biết.

Mô hình nuôi dế đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nguồn vốn nhỏ lẻ của nông dân nên thời gian gần đây ngày càng có nhiều bà con chọn mô hình này để làm kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân chia sẻ, điều đáng tiếc của mô hình nuôi dế ở địa phương hiện nay là chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho những người đi câu cá.

Có kinh nghiệm 4 năm nuôi dế, ông Lý Hùng Thăng (ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng), chỉ rút gọn: “Kinh tế từ con dế thì 50 công ruộng không bằng. Thế nhưng, hạn chế của mô hình này hiện nay làm cho ông Thăng cũng như nhiều hộ trong nghề trăn trở chính là chỉ có đầu ra nhỏ, lẻ, chủ yếu là đầu ra ở địa phương: Khách mua để thuốc chuột, câu cá, nuôi chim cảnh hoặc bỏ mối cho người bán lại, đôi khi các hộ bán dế ở tỉnh trên thiếu nguồn dế thì cung cấp cho họ. Tuy nhiên, ngoài thị trường cung cấp dế để câu cá thì còn có thể khai thác kinh tế từ việc cung cấp cho thị trường thực phẩm. Vì món ăn từ dế rất ngon, các tỉnh khác cũng kinh doanh như vậy, nhưng ở đây mình chưa làm được điều đó”.

Ít vốn, năng suất cao, chi phí sản xuất thấp, nếu được các cấp, các ngành hỗ trợ tìm ra hướng đi phù hợp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tin rằng, nhiều nông dân có thể làm giàu từ mô hình đơn giản này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *