Trợ giúp pháp lý giúp người dân bình đẳng trước pháp luật

Trợ giúp pháp lý giúp người yếu thế trong xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số ngày càng bình đẳng trước pháp luật.

Đối tượng được hưởng TGPL miễn phí thường là người nghèo, người có công với cách mạng và những người yếu thế trong xã hội như: Người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số. Với nhiều hình thức trợ giúp như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp khác, ngày càng có nhiều người ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn… được thụ hưởng quyền tiếp cận các dịch vụ pháp lý. Hiện nay, Trung tâm TGPL tỉnh Cà Mau có 8 chi nhánh trực thuộc tại các huyện, đã thành lập được 28 câu lạc bộ TGPL, với 244 thành viên. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp (Sở Tư pháp): “Việc mở rộng chi nhánh tại các địa bàn có đông đối tượng thuộc diện TGPL đã góp phần giải quyết vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, giảm đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Mở rộng mô hình hoạt động của mạng lưới chi nhánh TGPL cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện và có hình thức TGPL thích hợp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các đợt TGPL lưu động, để người dân được nhanh chóng tiếp cận với hệ thống tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và chủ động đưa ra các yêu cầu, vướng mắc pháp luật để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí”.

Thông qua đội ngũ luật sư, trợ giúp viên, cộng tác viên tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc.

Điều đáng nói là các đối tượng được TGPL không hề mất một khoản phí nào và bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác. Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh làm oan người vô tội và để lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL; góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc công bằng, khách quan, đúng pháp luật.

Các buổi trợ giúp pháp lý lồng nội dung giới thiệu văn bản pháp luật mới, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham dự.

Thời gian gần đây, mạng lưới cộng tác viên, nhất là đội ngũ luật sư, cũng tăng cường tham gia các hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách tại các địa bàn phức tạp. Đội ngũ cộng tác viên của Trung tâm TGPL hiện có 92 người; hình thức trợ giúp được tiến hành linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng đối tượng với nội dung phong phú, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp nhận.

Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức TGPL lưu động cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn được các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Tại các buổi TGPL lưu động, ngoài việc trả lời trực tiếp và tư vấn trực tiếp cho người dân, các đoàn TGPL còn cung cấp tờ rơi, tờ gấp pháp luật và thực hiện giới thiệu văn bản pháp luật mới; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham dự với các nội dung chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về bồi thường, thu hồi đất… Ngoài ra, việc tổ chức TGPL thông qua đội ngũ luật sư cũng đã đem đến cho người dân những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp người dân hiểu hơn về các trình tự, thủ tục hành chính cần thiết khi giải quyết công việc, tránh việc đi lại nhiều lần dẫn đến tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, số vụ việc được TGPL còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Phần lớn người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội, chưa được tiếp cận và biết đến TGPL. Nhiều trường hợp tìm đến cơ quan TGPL khi sự việc đã quá muộn khiến việc TGPL gặp khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, đê công tác TGPL cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách ngày càng đạt hiệu quả, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, ngoài việc huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động TGPL, phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt của cộng tác viên, trợ giúp viên thì cần cung cấp các dịch vụ TGPL có chất lượng, thu hút sự tham gia tích cực của luật sư, cộng tác viên trong hoạt động TGPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng TGPL.

Trong 9 tháng của năm nay, có 1.430 vụ, việc được TGPL; TGPL lưu động được 18 cuộc, 127 vụ, trên địa bàn các xã trong toàn tỉnh; phân công trợ giúp viên, cộng tác viên là luật sư tham gia tố tụng tại các phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng TGPL được 212 vụ, đại diện ngoài tố tụng 20 vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *