Trong 5 năm, trên 48,5 tỷ đồng chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

5 năm qua, phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng của Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Dioxin các cấp đã đi vào nền nếp. Các cấp Hội xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua với những nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực, phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, thừa ủy nhiệm trao Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Hành động vì NNCĐDC/Dioxin Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, theo 5 mục tiêu hướng dẫn của Trung ương Hội, đó là: Phát triển, kiện toàn tổ chức Hội; khảo sát tình hình nạn nhân; chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; công tác tuyên truyền, vận động; công tác quản lý tài chính.

Tỉnh Cà Mau có trên 17.000 người bị nhiễm và nghi bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin, trong đó có 5.828 NNCĐDC được hưởng chính sách ưu đãi nhà nước (3.565 người hoạt động kháng chiến và 2.263 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến). Việc thực hiện chính sách người có công và bảo trợ xã hội có liên quan đến NNCĐDC được đảm bảo.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, bằng nhiều chương trình, hình thức đa dạng và thông qua các hoạt động tuyên truyền, các cấp hội đã kêu gọi, vận động và nhận được sự quan tâm ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, với tổng nguồn trên 48,5 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí vận động, Hội đã bố trí gần 17 tỷ đồng để xây 322 căn nhà, sửa chữa 4 căn, xây 16 cầu giao thông nông thôn, khoan 15 cây nước; cùng với gần 50 ngàn suất quà, học bổng, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn… trên 25,5 tỷ đồng. Đặc biệt, dành 1,66 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế cho NNCĐDC mượn vốn để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh… phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe của NNCĐDC.

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm củng cố tổ chức, bố trí cán bộ hưu trí có kinh nghiệm, nhiệt tình làm công tác hội; bố trí hỗ trợ kinh phí cho hội cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả. Công tác hoạt động của hội từ cấp tỉnh đến cơ sở từng bước đi vào nền nếp, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời những nhu cầu cơ bản, nguyện vọng chính đáng của đông đảo nạn nhân da cam. Vị thế, vai trò, uy tín của hội ngày càng được nâng cao.

Công tác chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng nạn nhân được cụ thể hóa, thông qua nhiều chương trình, hình thức tổ chức phù hợp như: Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội, các trại xã hội nuôi dưỡng người già, người khuyết tật, trong đó có đối tượng NNCĐDC…

Ông Đặng Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, trao giấy khen của Tỉnh hội cho các cá nhân.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, phấn khởi: “Thông qua các hoạt động của Hội và công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức đối với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về hậu quả của chất độc da cam/Dioxin; thu hút sự quan tâm chú ý và sự ủng hộ ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng NNCĐDC trên địa bàn tỉnh”.

Hội nghị đã nghe các tham luận của các tổ chức hội chia sẻ về kết quả đạt được, kinh nghiệm công tác; nghe tham luận của nhà hảo tâm, nạn nhân vượt khó vươn lên trong cuộc sống… nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Dịp này, Trung ương Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho 14 cá nhân; 8 tập thể, 20 cá nhân được nhận giấy khen của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh về thành tích thực hiện Chỉ thi 43-CT/TW và phong trào thi đua của Hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *