Trung tâm văn hóa – thể thao xã khang trang nhưng chưa phát huy được hiệu quả

Luôn ở trạng thái đóng cửa, Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Khánh An, heo hút, vắng tanh, không người dân vào sinh hoạt.

Qua triển khai thực hiện thí điểm nâng cao chất lượng hoạt động trên 9 xã giai đoạn 2016 – 2017, các trung tâm thí điểm thành lập được gần 120 câu lạc bộ với nhiều nội dung hoạt động: Đờn ca tài tử, bóng đá, võ thuật, dưỡng sinh… Thế nhưng nhiều trung tâm VHTT xã vẫn tồn tại nhiều khó khăn chưa thể giải quyết được. Điển hình như Trung tâm VHTT xã Khánh An (huyện U Minh).

Theo dự kiến ban đầu, khu hành chính xã sẽ dời về ấp An Phú (xã Khánh An) nên Trung tâm VHTT xã chọn được quỹ đất và địa điểm đặt ở ấp An Phú. Trung tâm VHTT và sân thi đấu xã Khánh An được xây dựng và bàn giao cho xã sử dụng vào năm 2010, với tổng kinh phí 7 tỷ đồng. Sau đó, khu hành chính lại không di dời về ấp An Phú nên từ đó đến năm 2016, Trung tâm VHTT xã chủ yếu phục vụ cho các cuộc hội họp, tập huấn. Bà Huỳnh Thúy Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An: “Điều kiện là do xa và gần các ấp lâm phần hơn so với trục chính của xã. Hiện tại, xã Khánh An chia thành 2 tuyến, một tuyến có lộ xe lớn từ xã Nguyễn Phích ra tỉnh và một tuyến nằm bên chợ vàm Cái Tàu, nên dân cư không tập trung”. Chính vì điều này mà dù Trung tâm VHTT đã đưa vào hoạt động đã lâu, nhưng vẫn không thu hút được nhân dân vào vui chơi, hoạt động.

Chị Đỗ Thị Ý, người dân ở cách trung tâm xã không quá 50m đã về đây sống hơn 6 năm nhưng chưa một lần đặt chân qua Trung tâm VHTT, với lý do trời tối, vắng người nên chị sợ.

Trung tâm VHTT xã Khánh An cũng đã thành lập được CLB Đờn ca tài tử với 9 thành viên chính. Mỗi lần sinh hoạt cũng thu hút 15 – 20 người tham gia. Nhưng điều kiện để sinh hoạt thường xuyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Hoàng Triều, thành viên CLB Đờn ca tài tử xã: “Sinh hoạt một tháng một lần, đôi khi hai tháng mới tập trung được có một lần có khi khó khăn quá thì đến nhà hội viên sinh hoạt, ở trung tâm thì có sân bãi rộng rãi nhưng âm thanh không có, phải mượn tạm, đồ cũng xuống cấp hết rồi”.

Để người dân chú ý, năm 2017, UBND xã Khánh An cũng đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại Trung tâm VHTT xã. Sân Trung tâm VHTT xã cũng được vẽ vòng số 8 để người dân đến tập lái xe. Do xa với khu hành chính, ít người qua lại nên việc bảo quản cơ sở vật chất của Trung tâm VHTT xã Khánh An cũng gặp khó khăn, nên ngoài thời gian hoạt động, trung tâm thường đóng cửa.

Với Trung tâm VHTT xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) cũng được khởi công xây dựng từ năm 2010, với diện tích 4.000m2 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2014. Tổng kinh phí xây dựng là 5,8 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa 2 sân bóng đá mini khoảng 1,2 tỷ đồng. Trung tâm VHTT xã Lý Văn Lâm cũng thành lập được các CLB: Bóng đá, bóng chuyền, dưỡng sinh, võ thuật… Tuy nhiên, các hoạt động sinh hoạt chủ yếu diễn ra ở… sân UBND xã. CLB Dưỡng sinh xã có 45 hội viên, chia ra làm 2 điểm tập luyện, một điểm tập tại sân UBND xã, điểm còn lại trong Khu đô thị Hoàng Tâm. Cô Nguyễn Thu Nguyệt, Chủ nhiệm CLB Dưỡng sinh xã, cho biết: “Khi có sự kiện phục vụ thì các cô sẵn sàng, vì một năm không có bao nhiêu lần, còn tập luyện hằng ngày thì đi vào Trung tâm VHTT xã vừa xa vừa nguy hiểm, vì các cô phải qua lộ lớn, trời thì tối.

Trung tâm VHTT xã Lý Văn Lâm chưa thu hút được người dân vào sinh hoạt có nguyên nhân tương tự như Trung tâm VHTT xã Khánh An, do quy hoạch, xây dựng Trung tâm VHTT xã tại địa điểm, vị trí không phù hợp, nằm xa khu dân cư và nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế. Ông Trần Quyết Toán, Phó Chủ tịch UBND xã: “Hiện khu đô thị đã đầu tư đường, điện thắp sáng hết rồi. Năm 2018, UBND xã cũng vận động các tổ chức, cá nhân tham gia sinh hoạt, dự kiến đầu tháng 2 sẽ mở lớp dạy võ thuật… Các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sẽ đưa về trung tâm để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm”. Nhưng đây cũng mới là dự định, còn thực hiện được hay không thì còn phải vận động bà con!

Trước khi quy hoạch, chính quyền địa phương phải họp dân lấy ý kiến, nhưng không hiểu lý do gì, Trung tâm VHTT đã được xây dựng khang trang, nhưng người dân vẫn không đến sinh hoạt. Hiện nay, một số địa phương còn chạy theo thành tích, cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, mà không hề quan tâm xây dựng xong dân có sử dụng được hay không. Nếu dân không vào thì mới tìm hướng khắc phục và cơ sở vật chất từ từ bị xuống cấp, bỏ phí hàng chục tỷ đồng!

Chỉ vì địa điểm, vị trí không phù hợp mà việc thu hút người dân vào sinh hoạt tại các Trung tâm VHTT xã gặp khó khăn. Từ đó, việc bảo quản, đầu tư cơ sở vật chất cũng khá nhiều bất cập. Dù chính quyền địa phương các xã đã đề ra các kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn, nhưng giải pháp căn cơ cho những vấn đề trên vẫn còn bỏ ngỏ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *