Từ các vụ bể hụi, cần biết các quy định của pháp luật về hoạt động dân sự này

Ông Đỗ Chí Thuận bức xúc vì vụ việc của ông đã 3 năm trôi qua nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo ngành chức năng huyện U Minh, thời gian gần đây ở địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ bể hụi, đã nhận đơn và xử lý 6 vụ với số tiền ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng. “Trong khoảng hai năm trở lại đây, Công an huyện nhận được nhiều đơn thư tố cáo về tình trạng bể hụi, giựt hụi. Qua đó cho thấy các đối tượng đã lợi dụng sự tín nhiệm, lòng tin của người chơi hụi hòng chiếm đoạt tài sản, hoặc các tay em chơi hụi, lợi dụng lòng tin của chủ hụi hốt xong không đóng…”, Phó trưởng Công an huyện U Minh, Thượng tá Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Để có được tiền đóng hụi thì những “hụi viên” phải dành dụm, làm lụng cật lực để có tiền đóng cho chủ hụi với mong muốn tích lũy và có tiền lãi để làm vốn phát triển kinh tế, lo cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, khi chủ hụi tuyên bố bể hụi, các “hụi viên” (người còn chân hụi sống) coi như “mất trắng”.

Là một trong những nạn nhân của dây hụi do bà Trần Trúc Linh (Ấp 3, xã Khánh Tiến) làm chủ, ông Đỗ Chí Thuận (Ấp 2) đã nhiều năm đi “gõ cửa” các ngành chức năng để đòi lại sự công bằng và mong muốn được bồi hoàn phần tiền đã đóng cho bà Linh trong suốt thời gian chơi hụi. Sự việc bắt đầu từ năm 2005, do lòng tin đối với ông Trần Văn Quận (ba của Linh) nên gia đình ông Thuận bắt đầu chơi hụi do ông Quận làm chủ. Từ năm 2012, ông Quận giao lại các dây hụi cho bà Linh đứng tên và đi gom hụi, ban đầu các “hụi viên” không đồng thuận nhưng vì tin tưởng uy tín lâu nay của ông Quận nên cũng chấp nhận. Thế nhưng, đến năm 2014, bà Linh tuyên bố bể hụi với số tiền lên đến 4,5 tỷ đồng. Lúc này các “hụi viên” đều bàng hoàng và đã tìm đến gia đình ông Quận để rõ thực hư thì lúc này ông Quận từ chối trách nhiệm, bà Linh thì trốn biệt tăm. Với số tiền bị mất hơn 100 triệu đồng, ông Thuận đã làm nhiều đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa được giải quyết, phía gia đình bà Linh vẫn không bồi hoàn cho ông và các hụi viên được đồng nào.

Ở nông thôn, để làm ra số tiền 100 triệu đồng không phải là chuyện đơn giản, có người phải nhịn ăn, nhịn mặc, tằn tiện trong chi tiêu và phải lao động vất vả mới kiếm được. Thế nhưng, khi đã “ẵm trọn” số tiền thì chủ hụi lại tuyên bố bể hụi một cách rất nhẹ nhàng và âm thầm trốn đi nơi khác, coi như qua chuyện.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 471 Bộ luật Dân sự nêu rõ, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lãnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Nghị định 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định chỉ ra trách nhiệm của chủ hụi, các hụi viên và quy định giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng; tuy nhiên lại không quy định rõ về chế tài. Vì thế, nhiều trường hợp mặc dù được tòa xử thắng nhưng không bảo đảm việc thi hành án và nạn nhân phải chấp nhận mất tiền vì người vi phạm thông báo không có tài sản.

Song song đó, một cái khó hiện nay là do chủ hụi và người chơi đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, giấy tờ rất sơ sài nên khi xảy ra sự việc thì không đủ cơ sở pháp lý để buộc tội người vi phạm. Mặt khác, muốn chứng minh được hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì phải có các dấu hiệu như bội tín, không có khả năng thanh toán và dùng thủ đoạn gian dối để không trả khoản nợ đó; trong khi đó việc thu thập chứng cứ để xử lý các vụ án vỡ hụi mất rất nhiều thời gian và công sức. Do vậy, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự, mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự. Như trường hợp vụ bể hụi mà ông Thuận là nạn nhân nêu trên, dù số tiền mà chủ hụi chiếm dụng trên tỷ đồng nhưng chỉ xét ở góc độ là dân sự chứ không phải hình sự.

Chưa kể đến việc vì quá nóng giận mà người bị nạn có những hành động vi phạm pháp luật đối với người vi phạm, dẫn đến hậu quả khó lường, không chỉ mất tiền, mất tình mà bản thân có thể bị vướng vào vòng lao lý.

Để làm giảm tình trạng trên, ông Trịnh Xuân Miễn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện U Minh, khuyến cáo: “Từ những vụ bể hụi xảy ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia chơi các dây hụi. Khi giao dịch cần phải có các tài liệu liên quan như sổ hụi, thể hiện rõ các thông tin như tên, địa chỉ chủ hụi và các “hụi viên”, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn và lãnh hụi; những thỏa thuận giữa chủ hụi với “hụi viên” và giữa các “hụi viên” với nhau đều phải được ghi chép cẩn thận. Những tài liệu này làm cơ sở để các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết, đem lại công bằng khi có tranh chấp xảy ra. Mặt khác, tránh tình trạng chủ hụi lợi dụng sơ hở hay lòng tin của “hụi viên”, các “hụi viên” nên có mặt thường xuyên tại các buổi khui hụi để chủ hụi không thể kêu hụi khống hoặc hốt hụi của “hụi viên” dùng vào việc riêng. Khi phát hiện có người sai phạm phải đề nghị có hướng xử lý ngay, tránh tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến việc bể hụi”.

Chơi hụi là một hình thức hùn vốn tạo ra nguồn vốn xoay vòng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Khi tham gia, các “hụi viên” và chủ hụi phải là người sáng suốt, phải tìm hiểu về luật, tuân thủ và cam kết thực hiện đúng những quy định của pháp luật để bảo vệ tài sản cho mình và cho những người cùng chơi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *