Tự hào những thương hiệu made in “nông dân”Bài cuối: Ông “Tư liều” làm “du lịch cộng đồng”

Giờ đây, điểm du lịch cộng đồng của ông Tư Nhuần đã trở thành thương hiệu trong làng du lịch cộng đồng Đất Mũi, được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Ông Tư Nhuần quê gốc ở huyện Cái Nước. Là bộ đội xuất ngũ năm 1986, sau đó ông theo gia đình về vùng Ngọc Hiển mua 9,1ha nuôi trồng thủy sản, canh tác theo hình thức tôm-rừng thiên nhiên. Đến năm 1994 thì gia đình nhỏ của ông Tư ra ở riêng và mua được gần 10ha đất ở Rạch Vàm, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi ngày nay. Ông Tư kể, hồi đó làm tôm thiên nhiên mà trúng “bể tay”, có đêm xổ cả 500kg tôm, 400 – 500kg cá kèo…, nhưng giá thì rẻ lắm chỉ 7.000 đồng một ký tôm. Những năm gần đây, môi trường nuôi, điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn, người nuôi tôm ở Ngọc Hiển nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung gặp nhiều khó khăn. Ông Tư Nhuần nghĩ cách tìm hướng đi mới cho gia đình cũng như bà con trong xóm.

Một ngày đẹp trời của năm 2014, ông Tư Nhuần tuyên bố với vợ con: “Tui đầu tư làm du lịch”. Ai cũng bất ngờ. Rồi vợ ông Tư thắc mắc, ông làm du lịch bằng cách nào khi trong tay chưa có xíu kinh nghiệm? Ông Tư bảo, đối với mình thì đất rừng nơi đây nó bình thường, việc đặt lú, mò cua, bắt tôm không có gì đặc biệt…; nhưng đối với du khách tỉnh ngoài thì khác, và khi Đất Mũi – điểm cuối trời cực Nam Tổ quốc đang vươn mình, được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển du lịch, thì đây là cơ hội để nông dân làm giàu, gắn phát triển kinh tế với làm du lịch – mô hình kinh tế “2 trong 1”. Đúng vào năm ấy, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin được nguồn vốn Thụy Điển, tài trợ Dự án dịch vụ bảo vệ rừng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ấp Cồn Mũi, thì địa phương đã chọn 20 hộ hưởng lợi dự án này, trong đó hỗ trợ làm du lịch cộng đồng cho 5 hộ và 15 hộ còn lại được hỗ trợ con giống tôm, sò, trồng cây ăn trái cải thiện cuộc sống. Ông Tư Nhuần là một trong 5 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình du lịch cộng đồng.

Từ kiến thức có được thông qua các lớp tập huấn làm du lịch, ông Tư Nhuần cùng 4 hộ dân trong dự án bắt tay đầu tư xây dựng nhà sàn, bố trí khu vực ăn, sân khấu nhỏ để du khách có thể giao lưu đờn ca tài tử; các phương tiện đưa rước du khách tham quan bãi bồi, xuyên rừng. Ưng bụng về tài nấu ăn của vợ, sự nhanh nhạy của cô con gái Phương Dung, ông Tư Nhuần “tuyển” ngay vợ làm đầu bếp chính, con gái phụ trách ngoại giao, hướng dẫn giới thiệu khách tham quan; các món ăn chủ yếu là hải sản tươi sống như: Tôm, cua, cá, sò, hàu, cá thòi lòi…, đây là những đặc sản có sẵn trong vuông tôm hoặc thu mua tại địa bàn huyện Ngọc Hiển.

Thấy ông Tư Nhuần “tay ngang” làm du lịch, mọi người cho rằng ông “rất liều”, liều vì dám đầu tư hàng trăm triệu đồng cho mô hình, nhưng tương lai rất “hiu”. Thật vậy, những năm đầu triển khai mô hình, ông Tư Nhuần cũng như các hộ dân cùng ông thực hiện, gặp không ít khó khăn. Điểm du lịch đìu hiu, ế khách. 4 hộ cùng ông Tư làm du lịch đã bỏ cuộc, chỉ mình ông Tư vẫn đứng mũi chịu sào, chịu không ít lời ra tiếng vào rằng “ở cái xứ đìu hiu này mà làm du lịch, chỉ có phí công, bỏ của”. Ông Tư nhớ lại: “Thấy mọi người bỏ cuộc, chú cũng hoang mang lắm, nhưng đã lỡ “leo lưng cọp” thì phải đi tiếp, gia đình đã bỏ ra nhiều công sức, vốn đầu tư khá lớn để thực hiện mục tiêu. Với lại, dường như chúng ta “gãi trúng điểm ngứa” thì chưa thể thành công…”.

Thế rồi, ông Tư Nhuần tìm gặp chính quyền địa phương, các sở, ngành tỉnh tiếp sức tuyên truyền trên báo, đài; làm cầu nối giúp ông duy trì và phát triển mô hình đến cùng. Nguyễn Phương Dung, con gái ông Tư Nhuần, chia sẻ: “Giữa lúc gặp nhiều khó khăn, em giúp cha bằng hình thức đăng Facebook, Zalo về mô hình du lịch cộng đồng, nhờ anh em, bạn bè chia sẻ để nhiều người biết đến. Nhờ chính quyền địa phương và các sở, ngành tỉnh làm cầu nối kết nối với khách tham quan trong và ngoài tỉnh, từ đó mô hình du lịch cộng đồng của gia đình dần thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Thành công của hôm nay chính nhờ sự bền lòng, kiên định ý chí của cha em, đậm bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, em rất trân trọng và tự hào vì điều đó”.

Tôi và ông Tư ngồi trò chuyện giữa gian nhà sàn lộng gió, xung quanh một màu xanh bạt ngàn của rừng đước trải dài xa tít hậu vuông; dưới kênh có sẵn chiếc vỏ, cây dầm sẵn sàng cho du khách khám phá, trải nghiệm, như: Thăm lú, mò sò, bắt ba khía… Khi tôi đang mơ màng, chìm đắm vào khung cảnh lội bùn bắt vọp, ốc len dưới tán rừng đước, điều mà tuổi thơ tôi – thời của hơn 20 năm về trước tôi đã từng trải nghiệm trên mảnh đất vuông của gia đình thuộc ấp Nhưng Miên, Ngọc Hiển (nay đã giải tỏa vì đất nằm trong Dự án đường Hồ Chí Minh) thì những chiếc áo bà ba tím thấp thoáng tiến về phía căn nhà sàn của ông Tư Nhuần khiến tôi bừng tỉnh. Như hiểu được điều tôi muốn hỏi, ông Tư bảo đó là các chị của đoàn khách ở tỉnh Nghệ An đặt tour tham quan bãi bồi, xuyên rừng và giờ họ trở về đây dùng cơm trưa.

Những du khách từng đến đây, họ bảo rằng như được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, được ăn những bữa ăn đậm chất gia đình người miền Tây, bởi phong cách phục vụ ân cần, gần gũi; được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt đời thường đặc trưng của đất và người Cà Mau. Chị Bùi Thu Hiền, người trong đoàn du khách tỉnh Nghệ An, chia sẻ: “Lần đầu đặt chân đến Mũi Cà Mau, điểm cuối trời Nam Tổ quốc, tận mắt chứng kiến rừng, biển bao la…, một cảm giác thiêng liêng ùa về trong tôi. Đặc biệt, được ăn những món ăn miền Nam chế biến từ đặc sản tươi sống tại chỗ, cùng với cái tình của người dân nơi đây, chúng tôi vô cùng trân quý, yêu thương vùng đất và người Cà Mau. Có dịp, tôi nhất định quay trở lại…”.

Gần đây, khi mô hình du lịch cộng đồng khởi sắc, ông Tư Nhuần có vốn mua thêm 20ha đất nối tiếp dãy đất vuông nhà và đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng thêm nhà sàn, phòng nghỉ qua đêm với quy mô phục vụ từ 150 – 180 khách. Giờ đây, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Tư bình quân hằng tháng đón từ 300 – 400 khách đến tham quan, ăn uống, trải nghiệm; cao điểm gần 1.000 khách/tháng, khi có các công ty, tỉnh thành phối hợp tổ chức sự kiện, dẫn đoàn cơ quan, đơn vị tham quan.

Các thành viên trong gia đình ông Tư Nhuần dẫn đoàn khách thăm quan trải nghiệm cảm giác xuyên rừng.

Từ mô hình du dịch cộng đồng của ông Tư Nhuần mà đến nay đã có thêm 6 – 7 hộ mới trong xóm Cồn Mũi học hỏi, làm theo. Ông Tư Nhuần, người nông dân bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, vừa đóng vai trò tiên phong “khơi mào” và “giữ lửa” để mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Cồn Mũi duy trì và phát triển. Giờ đây, tên tuổi ông Tư Nhuần đã trở thành thương hiệu trong làng du lịch cộng đồng Đất Mũi, được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và khâm phục.

Ông Bảy Hoàng, chị Ngọc Giàu, ông Tư Nhuần là những nông dân chân đất thực thụ, mặc dù họ chưa qua trường lớp “đại học”, nhưng họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể. Họ dám nghĩ dám làm, quyết tâm bảo vệ thành quả và tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm mình làm ra, thương hiệu mang tên “made in nông dân”, góp phần làm rạng danh lực lượng nông dân Cà Mau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *