Tự hào quê hương anh hùng !

Không còn là xứ sở âm u như cái tên gắn liền với đặc trưng hệ sinh thái của vùng đất, U Minh giờ đây đã thật sự tỏa sáng, với thế đứng ngày một vững chắc từ việc phát huy lợi thế và tiềm năng địa phương.

Nhớ lại những năm đầu thành lập, những khó khăn nhất, yếu kém nhất cứ ngỡ sẽ kìm hãm sự năng động và phát triển. Tuy nhiên, với sự chủ động và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp chiến lược, sau 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay, chúng ta có thể tự hào và vững tin khẳng định rằng U Minh đã và đang thật sự lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của mọi người.

Trong quá trình đi lên, U Minh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cấp trên. Ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 4 từ trái sang) cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh đến khảo sát, nắm tình hình thực tế nhằm tìm giải pháp bảo vệ tuyến đê Biển Tây, trọng tâm trên địa bàn huyện U Minh, ngày 3-3-2014.

Một góc rừng tràm U Minh Hạ.

Là địa phương mang đặc trưng sinh thái đất bồi ven biển, U Minh có nhiều cửa sông lớn, nhỏ đi về với Biển Tây. Từ đó không những tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất mà còn là động lực, điều kiện để phát triển kinh tế biển. Khánh Hội, một trong những cửa biến lớn của tỉnh, hằng năm đóng góp khá quan trọng vào sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh (năm 2013, 730 tàu của huyện khai thác được trên 23,6 ngàn tấn hải sản). Từ đây đã tạo nên một phố biển sầm uất với nhiều dịch vụ phát triển vượt bậc, mang dáng dấp thị trấn miền biển trong tương lai gần.

Khi mới thành lập, năm 1979, ngay tại thị trấn U Minh ngày nay chỉ có 4 ngôi nhà dân. Sau 35 năm xây dựng và phát triển, nay thị trấn U Minh đã khoác lên mình áo mới, làm sáng rực bức tranh nơi xứ rừng, sánh vai cùng các đô thị khác của tỉnh.

Với tầm vóc công trình trọng điểm của quốc gia, tổ hợp công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau đứng chân trên địa bàn huyện U Minh đã góp phần quan trọng nâng tầm cao phát triển của địa phương trên mọi phương diện.

U Minh được biết đến không chỉ có rừng, có biển mà còn là vùng trồng lúa khá lớn của tỉnh, hiện hơn 33.500ha, năng suất bình quân trên 4 tấn/ha. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương trong quy hoạch sản xuất, cải tạo đồng ruộng vốn từ đất rừng, phèn mặn trở thành những vùng đất phì nhiêu bạt ngàn lúa nặng trĩu bông, những vườn cây ăn trái và những ao nuôi cá…

Chính sách an sinh – xã hội được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện U Minh đã có 972 Nhà tình nghĩa được xây dựng với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng, tạo điều kiện giúp các đối tượng chính sách trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Thanh Triều đến thăm hỏi và trao quà cho đại diện gia đình thương binh Hồ Tấn Bửu, thị trấn U Minh, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập huyện.

Hạ tầng giáo dục huyện U Minh hiện phát triển khá ổn định, với nhiều ngôi trường được xây dựng khang trang, nhiều cấp học được mở rộng. Để có được kết quả này, phải kể đến sự quan tâm nghĩa tình của những nhà hảo tâm góp sức giúp cho U Minh. Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp đối với vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đã có 32 tổ chức, cá nhân tài trợ xây dựng 22/46 điểm trường trên toàn huyện và đã có 40% trong 46 điểm trường đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Trường Tiểu học Thái Văn Lung (thị trấn U Minh), dạy học theo phương pháp trình chiếu trực quan hiện đại.

Với mạng lưới giao thông kết nối liên huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, TP. Cà Mau và huyện An Minh (Kiên Giang), U Minh hiện có trên 300km lộ nhựa, bê-tông, ô tô về đến trung tâm 11 xã, thị trấn; nhiều tuyến giao thông nông thôn len lỏi và đi sâu vào những vạt rừng, mở lối phát triển kinh tế – xã hội.

Mạng lưới y tế trải khắp địa bàn và đạt chuẩn theo quy định 100%. Ảnh: Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Khánh Hội.

Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và thường xuyên được xây dựng, củng cố. Cùng với hạ tầng cơ sở được đầu tư, hoạt động của chính quyền cơ sở từng bước được nâng cao, xây dựng được lòng tin nhân dân. Ảnh: Trụ sở hành chính xã Khánh Hội.

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương quy hoạch và phát triển kinh tế rừng, đến nay kinh tế rừng U Minh Hạ đã và đang thực sự là thế mạnh cho cư dân rừng tràm đổi đời, cũng như đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương và của tỉnh. Trồng rừng thâm canh, trồng keo lai, xây dựng nhà máy chế biến gỗ; chủ trương xây dựng các âu thuyền, cải tạo giao thông thủy, xây dựng lộ giao thông trong rừng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị cây rừng sau khai thác. Cùng với đó, Đề án Tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm đang được triển khai, hứa hẹn mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân rừng tràm.

Chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập huyện U Minh (20/5/1979 – 20/5/2014), Báo ảnh Đất Mũi ghi nhận bằng hình ảnh những thành tựu phát triển vượt bậc của địa phương, minh chứng rõ nét nhất cho hành trình đi lên trong nhiều gian khó rất đáng tự hào của Đảng bộ và quân, dân U Minh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *