Từ những việc vì dân

Đất khó một thời…

Xã Tân Lộc Đông trước đây là xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải), sau khi tách tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu, xã đổi tên thành Phong Tiến. Năm 1980, xã được ghép với xã Tân Lộc, đến năm 2001 tách ra, lấy tên xã Tân Lộc Đông.

Ngày ấy, nơi đây là đất hoang, chỉ có rong rêu, cỏ năn, dừa nước mới có thể ngoi lên tồn tại. Nhiều gia đình từ phương xa tìm đến khai hoang phục hóa vùng đất này không được bao lâu đều bị đánh bật. Vùng đất này được người dân ví von là “cánh đồng chó ngáp”. Họ kể với nhau câu chuyện, do cỏ mọc um tùm giữa đồng hoang, mỗi khi chó chạy mải mê bắt chuột lạc vào rồi ngáp ngắn ngáp dài, không biết đường ra.

Ông Lê Văn Công, nông dân Ấp 4, đang đầu tư trang trại nuôi bò quy mô lớn tại địa phương.

Ông Lê Văn Công, 64 tuổi, nông dân Ấp 4, nhớ lại: Cỏ dại mênh mông nên không thể trồng hay nuôi con gì được. Tất thảy mọi người phải đi làm thuê đủ thứ nghề để lây lất qua ngày. Từ khi khơi thông kinh, rạch dẫn nước từ kinh xáng Phụng Hiệp vào, đất này được rửa phèn, đời sống người dân sáng sủa. Sau năm 1990, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi tôm thì vùng đất “len trâu” này mới được chuyển mình vươn lên.

Gia đình ông Công và những hộ bám trụ khác phất lên nhờ con tôm, con cua, cây lúa, xây được nhà cửa đàng hoàng, hướng về mặt sông là con lộ bê-tông kiên cố. Mới đây, ông Công cùng 6 hộ trong ấp tham gia vào tổ hợp tác nuôi bò, được hỗ trợ vốn, được tập huấn kỹ thuật hẳn hoi, đàn bò nhà ông đang nhân giống tốt. Ông Công phấn khởi: “Tôi định nuôi bò lâu rồi mà còn hơi nhát, gần đây được mấy chú kỹ sư hướng dẫn đàng hoàng, rồi tham khảo trên mạng này nọ mới dám làm. Tới đây, tôi sẽ mở rộng nuôi theo kiểu trang trại, nhân giống cho bà con địa phương cùng nuôi”.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản 3.700ha, nông dân Tân Lộc Đông thực hiện mô hình Cánh đồng lớn nuôi tôm quảng canh ít thay nước, tham gia hợp tác xã nuôi tôm càng xanh, đồng thời kết hợp nuôi dê, nuôi heo, nuôi bò… giúp bà con có thêm thu nhập. Ông Hứa Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Ba năm liên tiếp, xã dẫn đầu về nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trong huyện, bà con tích cực đóng góp từ 30 – 40 triệu đồng/năm, từ đó xã tập trung triển khai nhiều dự án sản xuất, phấn đấu đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng”.

Cùng với phát triển kinh tế, các thiết chế văn hóa của xã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân.

Chuyển mình lên nông thôn mới

Gắn với phát triển kinh tế, xã Tân Lộc Đông còn là một điểm sáng của huyện Thới Bình về xây dựng đời sống văn hóa và công tác giảm nghèo. Ông Trần Chí Cường, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Đảng bộ có 206 đảng viên, sinh hoạt ở 14 chi bộ (7 chi bộ ấp). Những thành tựu đạt được trên các mặt của đời sống xã hội khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ xã. Đặc biệt, qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, đã làm chuyển biến ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; coi việc gần dân, vì dân là nhiệm vụ hàng đầu, là tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên, từ đó tạo chuyển biến lớn trong thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Minh chứng cho kết quả đồng lòng vượt khó của Đảng bộ và nhân dân Tân Lộc Đông là xã được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ Ấp 2, chia sẻ, lãnh đạo xã thường xuyên xuống sinh hoạt cùng chi bộ ấp để nắm bắt tình hình tư tưởng, làm tốt công tác dân vận, tạo sự đoàn kết, thống nhất nội bộ Đảng và nhân dân, từ đó Ấp 2 được xã chọn chỉ đạo điểm trong xây dựng nông thôn mới và xóa trắng hộ nghèo vào cuối năm nay.

Tân Lộc Đông là xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 của huyện Thới Bình. Đến nay, xã đạt 12/18 tiêu chí (không thực hiện tiêu chí chợ). Ông Trần Chí Cường cho biết, những tiêu chí cần huy động sức dân cơ bản đều đạt, xã còn gặp khó khăn về vốn để hoàn thiện lộ giao thông nông thôn, trường học. Hiện, gia đình đạt chuẩn văn hóa của xã đạt trên 80%, 7/7 trụ sở văn hóa ấp đều được nhân dân hiến đất xây dựng đạt chuẩn quy định. Từ gần 200 hộ nghèo lúc mới chia tách, đến nay xã chỉ còn 53 hộ, chiếm 3,5%.

Sự đồng thuận của nhân dân trong xã được minh chứng qua việc người dân vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, góp phần làm đẹp giàu quê hương. Ông Võ Văn Nhanh (Ấp 3) bộc bạch: “Lúc mới lập gia đình, tôi không có một công đất nên phải làm đủ thứ nghề để dành dụm tiền mua đất. Đến khi chuyển dịch sang nuôi tôm, cuộc sống gia đình tôi đã phát triển hơn rất nhiều. Đến nay, tôi đã mua được 30ha đất để nuôi tôm và xây xong căn nhà 1,5 tỷ đồng vào năm 2010”. Nhưng có lẽ, điều mà ông Nhanh tự hào nhất, là cả 3 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Một trong những phần việc vì dân mà xã làm tốt trong những năm qua là công tác vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương, có năm gần 1 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, xã vận động 2 cầu nông thôn, 20 cây nước, 7 căn nhà cho hộ nghèo. Đặc biệt trong năm nay, cầu treo dân sinh bắc qua kinh xáng Phụng Hiệp hoàn thành, kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, sẽ thúc đẩy diện mạo Tân Lộc Đông thêm đổi mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *