Từ thiệt hại do thiên tai, cần điều chỉnh gì để phù hợp, thích ứng?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì Hội nghị.

Theo ông Sử, lượng nước mặn gây hại vùng ngọt là do nguyên nhân từ sự cố xảy ra tại cống Trùm Thuật Nam, xã Khánh Hải vào ngày 14/1/2020. Sau sự cố, một lượng lớn nước mặn đã tràn vào khu vực xã Khánh Hải. Tuy nhiên, khi mưa xuống, lượng nước mặn này không được bơm cưỡng bức ra bên ngoài như kế hoạch trước đó, nên đã hòa cùng lượng nước mưa lên đồng ruộng người dân, làm thiệt hại một diện tích lớn lúa hè thu, và con số này chưa phải là cuối cùng.

Theo thống kê, trong đại hạn vừa qua, có đến 18 cống ngăn mặn bị rò rỉ, xói đáy, nước mặn từ bên ngoài xâm nhập vào vùng ngọt thuộc hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, phần lớn trên tuyến Tắc Thủ – Sông Đốc thuộc vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Long Hoai – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh, cho biết hệ thống thủy lợi vùng sản xuất lúa – tôm chưa khép kín, thiếu trạm bơm rửa mặn vào đầu mùa mưa (để trồng lúa), thiếu công trình ngăn mặn vào đầu mùa khô nên sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, rủi ro rất cao.

Theo ông Hoai, hiện số lượng trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại tỉnh còn rất ít, nhiều địa bàn không có trạm quan trắc. Điển hình như vùng ngọt hóa thuộc tiểu vùng II, III – Bắc Cà Mau (hai huyện Trần Văn Thời và U Minh) không có trạm thủy văn, nên không có cơ sở để xác định cấp độ rủi ro thiên tai, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các biện pháp cấp bách để xử lý.

“Về chủ quan, công tác lập, điều chỉnh, triển khai Kế hoạch phòng, chống các tình huống thiên tai của địa phương chưa lường hết những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của thiên tai, nên có những giải pháp chưa thật phù hợp và hiệu quả. Việc triển khai thực hiện của chính quyền cơ sở có nơi chưa quyết liệt; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, chủ quan, làm theo lối cũ, không thực hiện khuyến cáo của chính quyền, một bộ phận thiếu chủ động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Hoai nêu rõ.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thừa nhận vùng ngọt Cà Mau hiện chưa có giải pháp ứng phó hạn hán hiệu quả, cứ bị tác động là thiệt hại nghiêm trọng. Vấn đề nước cho sinh hoạt và sản xuất, là điệp khúc “mưa thừa – nắng thiếu”, thừa thì bơm bỏ được, còn thiếu thì chịu “bó tay”.

“Thực tế xảy ra, buộc chúng ta phải có điều chỉnh để phù hợp, thích ứng. Đó là điều chỉnh quy hoạch sản xuất, trong đó điều chỉnh quy hoạch thủy lợi hay điều chỉnh hệ sinh thái; điều chỉnh cây trồng, vật nuôi hay điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất…?”, ông Sử đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, một điều bất cập là toàn tỉnh hiện chỉ sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước ngầm, có những nơi không khai thác được, nhưng nguồn nước mưa quý như vàng lại bỏ đi, ít được tích trữ, chỉ là trong từng hộ gia đình với dụng lượng hạn chế.

Một vấn đề nữa là tuyến kênh nào được nạo vét sâu để thuận lợi cho tích trữ nước phục vụ sản xuất, giao thông thủy thì khi khô hạn lại xảy ra sụt lún nghiêm trọng hơn…

Hạn hán mùa khô 2019-2020 đã gây sụt lún tại 1.352 vị trí với chiều dài trên 42km tuyến giao thông nông thôn, trung đó tập trung nhiều nhất tại vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Hội nghị chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các địa phương, đồng thời triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai từ nay đến cuối năm với dự báo xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền và có dấu hiệu tăng tần suất dịch chuyển xuống phía Nam.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, hạn hán mùa khô năm 2019-2020 đã làm 20.546ha lúa bị thiệt hại, trong đó mất trắng 13.685ha, làm mất đi khoảng 51.000 tấn lúa; trên 16.500ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, với sản lượng ước 10.000 tấn.

Hạn hán đến sớm và kéo dài còn làm cho hơn 20.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gây sụt lún các tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý, kể cả tuyến đê biển Tây với 1.352 vị trí, tổng chiều dài 42.820m.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *