Từng bước xây dựng nền văn hóa đọc

Dịp tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ/TTg ngày 21/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thừa ủy quyền, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Văn Đen nhìn nhận: “Thời gian qua, các huyện, thành phố, các sở, ngành đã có những sáng kiến, sáng tạo trong tổ chức triển khai, mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc duy trì, phát triển văn hóa đọc truyền thống, bổ sung tri thức, kiến thức khoa học ứng dụng vào đời sống xã hội. Ngày Sách Việt Nam đã thực sự trở thành “Ngày hội đọc sách”. So với trước đây, lượt bạn đọc tại các thư viện cấp huyện và phòng đọc cơ sở có sự gia tăng đáng kể”.

Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.

Sách về nông thôn.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau xác định văn hóa đọc trong cộng đồng là điều rất cần thiết của chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực: Xây dựng hệ thống thư viện mở, thư viện xanh, thư viện lưu động, tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách cho giáo viên, học sinh, tổ chức các cuộc thi kể chuyện theo sách…

Với mô hình trường học mới được trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuận lợi cho việc triển khai thư viện thân thiện, toàn tỉnh hiện thiết lập được 24 thư viện thân thiện tại các trường tiểu học, đưa vào chương trình chính khóa tiết đọc thư viện, nhằm giúp học sinh cách tiếp cận và cảm nhận quyển sách một cách tự nguyện và thích thú.

Một số trường tiểu học trên địa bàn TP. Cà Mau đưa chương trình đọc sách thư viện vào chương trình học chính khóa.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi, ông Liêu Thanh Hải: “Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người, là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống và biết yêu thương con người. Đọc sách để khám phá thế giới, tìm hiểu lịch sử nhưng quan trọng hơn hết là khám phá bản thân”. Thời gian qua, các điểm trường trên địa bàn huyện Đầm Dơi khuyến khích giáo viên, học sinh đọc sách trong giờ giải lao, vừa giải tỏa được những căng thẳng sau những tiết học trên lớp, vừa giúp các em tránh xa những trò chơi nguy hiểm.

Song song đó, Thư viện tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện chuỗi hoạt động “Sách – hành trang tri thức cho em” tại các trường học vùng sâu, vùng xa, tạo cho các em sự thích thú và hăng say đọc sách. Điểm nhấn của chương trình này là “Hành trình lưu động”, “Mang sách về vùng nông thôn”, sách mở ra những cánh cửa kiến thức đối với học sinh điểm trường ven đô, nông thôn, nơi hiếm có dịp tiếp cận nguồn sách mới. Từng quyển sách, mỗi trò chơi là món quà động viên thầy và trò thêm cố gắng. Hoạt động cũng góp phần gieo mầm văn hóa đọc trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, giúp các em tìm hiểu thế giới xung quanh từ sách – người bạn không thể thiếu của mỗi người.

Trường Tiểu học Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi triển khai mô hình thư viện xanh để các em có không gian thư giãn, đọc sách trong giờ giải lao. Đây là mô hình hay cần được nhân rộng thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại các điểm trường THPT trên địa bàn tỉnh, thu hút được sự quan tâm và theo dõi của học sinh và giáo viên.

Với cách làm hiệu quả, chỉ sau 5 năm thực hiện, thư viện tỉnh đã luân chuyển trên 354 ngàn lượt sách về cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu đọc tại các vùng nông thôn.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tạo thêm sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa sách với người đọc, góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *