Tuổi trẻ phát huy tinh thần khởi nghiệp

“Đội rửa xe thanh niên” của Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp thị trấn Trần Văn Thời, bước đầu đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên.

Dù được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, song mô hình “Đội rửa xe thanh niên” của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp tại Khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời) đã mang lại kết quả bước đầu, đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Qua tham khảo, học hỏi, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện hình thành ý tưởng thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp, với mô hình phát triển kinh tế gồm: Đội rửa xe thanh niên, thay nhớt, thay – vá vỏ xe, sửa chữa xe, sửa chữa xe lưu động 24/24 giờ khi có yêu cầu. Với diện tích mặt bằng gần 100m2 và vốn đầu tư ban đầu gần 65 triệu đồng, các thành viên trong CLB đầu tư các dụng cụ rửa xe, bình xịt bọt tuyết… thay phiên nhau thực hiện các công việc trên. Đến nay, cơ sở đã khai trương được gần 2 tháng, nhận rửa trung bình 20 chiếc/ngày, mỗi chiếc giá từ 15 – 20 ngàn đồng. Trừ hết các khoản chi phí, mỗi thành viên có thêm thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng. Để thu hút khách, các thành viên trong CLB còn tìm hiểu, nghiên cứu cách pha dung dịch, điều khiển vòi áp… phục vụ rửa xe theo công nghệ mới, đảm bảo sạch sẽ; phong cách ứng xử hòa nhã, lịch sự với khách hàng. Đặc biệt, CLB còn hướng dẫn, dạy nghề miễn phí cho ĐVTN.

Anh Nguyễn Chí Tâm, Chủ tịch Hội LHTN huyện, Chủ nhiệm CLB: “Lúc đầu lượng khách chưa nhiều, nhưng với sự nỗ lực tạo uy tín, phong cách cũng như chất lượng phục vụ, hiện tại mô hình đã thu hút lượng khách ổn định đến rửa xe, bảo đảm việc làm và thu nhập cho các thành viên. Thời gian tới, Hội sẽ khảo sát địa điểm và nhân rộng mô hình này đến một số xã khác”.

“Thời gian qua, phong trào “Thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp” đã tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; cổ vũ, khuyến khích tinh thần, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên. Phong trào đã tạo luồng sinh khí mới, khơi dậy niềm đam mê, nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm – một trong những nhu cầu quan trọng của thanh niên hiện nay. Muốn có công việc tốt, tương lai tốt, chắc chắn thanh niên cần quá trình khởi nghiệp, tạo dựng lâu dài. Quá trình khởi nghiệp có nhiều vấn đề đặt ra đối với thanh niên, nhất là về vốn, kiến thức. Tỷ lệ khởi nghiệp sáng tạo thành công hiện nay vẫn chưa cao, do đó trong quá trình từ chuẩn bị ý tưởng, hiểu biết các điều kiện về vốn, chính sách… thanh niên cần có động lực, quyết tâm để thúc đẩy niềm đam mê”, anh Huỳnh Hãnh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, chia sẻ.

Cũng tại huyện Trần Văn Thời, có mô hình khởi nghiệp từ trồng cây bồn bồn trên vùng đất mặn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng của đoàn viên Đào Văn Sinh (sinh năm 1988) ở ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bốn anh em, vì hoàn cảnh khó khăn nên Sinh phải nghỉ học từ năm lớp 9 để phụ giúp gia đình. Trước đây, gia đình anh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm. Nhận thấy mô hình này không đạt hiệu quả cao và cho thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình bấp bênh; tìm tòi, học hỏi, anh nhận thấy cây bồn bồn dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể sống và phát triển ở các vùng nước ngọt, lợ, mặn, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng nên quyết định thực hiện mô hình trồng bồn bồn. Lúc đầu trồng thử nghiệm với diện tích 7.000m2 xen canh với cây lúa, sau 3 – 4 tháng thu hoạch mỗi ngày 30 – 50kg, được thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 18 – 20 ngàn đồng/kg. Thấy khả quan, anh Sinh tiếp tục trồng bồn bồn trên toàn bộ diện tích 7.000m2 và mạnh dạn bao bờ trữ nước để có thể trồng bồn bồn quanh năm, khoan giếng nước để kịp thời bổ sung nguồn nước vào mùa khô; kết hợp nuôi tôm, cua trên cùng diện tích. Hiện nay, anh Sinh thuê thêm một số ĐVTN trong ấp thu hoạch và sơ chế bồn bồn, trừ hết chi phí, mỗi tháng anh lãi hơn 15 triệu đồng. Anh Sinh chia sẻ: “Đây là mô hình dễ thực hiện, không mất nhiều chi phí đầu tư. Thời gian tới, gia đình sẽ trồng thêm 3000m2 và sẵn sàng giúp đỡ ĐVTN, bà con ở các địa phương khác đến trao đổi kinh nghiệm trồng bồn bồn, phát triển kinh tế gia đình”.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Đào Văn Sinh còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương. Anh được biết đến là đoàn viên rất nhiệt tình và năng động trong công tác Đoàn của ấp Tân Bằng. Bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế, anh luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ để những ĐVTN khác có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương Phong Lạc.

Biết nắm bắt xu hướng thị trường và linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, vừa làm giàu cho bản thân vừa có những đóng góp cho xã hội. Trước cơ hội và cũng là thách thức về xây dựng một môi trường thuận lợi để “chắp cánh” cho khởi nghiệp trẻ thành công và duy trì lâu dài, rất cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền các địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *