Tuyên truyền, quảng bá dịch vụ công trực tuyến

Để người dân hiểu rõ về tiện ích của dịch vụ trong trực tuyến, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cần được đẩy mạnh. Việc tuyên truyền nên được thực hiện ngay tại cơ sở.
 

Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh thực hiện theo mô hình kết hợp và liên thông. Điểm nổi bật của hệ thống này là công khai minh bạch từng ngày, từng đơn vị trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, liên kết với Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia về tiến độ thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của công dân “đúng hạn, trễ hạn”.

Điều đặc biệt của hệ thống này là tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC lần thứ 2 trở lên, có thể cung cấp mã hồ sơ đã giao dịch trước đó để tái sử dụng kết quả TTHC lần thứ nhất và thành phần hồ sơ đã nộp kèm theo trước đó, dù giao dịch trước đó với bất kỳ cơ quan nào, cấp nào trong hệ thống.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau, điều kiện cần các cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4  phải có bộ TTHC của đơn vị, của cấp mình hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn ISO. Tiêu chuẩn ISO ở đây có thể hiểu là thời gian quy định tối đa, quy trình xử lý tối thiểu, của mỗi người, cho mỗi loại TTHC và phải luôn được cải tiến.

Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến này, người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC, đặc biệt là tránh được nạn nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà từ những cán bộ công chức ở cơ quan hành chính nhà nước.

Người dân, doanh nghiệp, các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối Internet. Tuy nhiên, tình trạng người dân đến bộ phận một cửa để giao dịch các loại giấy tờ hồ sơ theo cách “truyền thống” vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.621 TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó, có 1.049 thủ tục mức độ 3; 572 thủ tục mức độ 4). Tính đến cuối tháng 9/2018, có hơn 2.000 hồ sơ nộp trực tuyến, trong đó cấp tỉnh là trên 1.800 hồ sơ, cấp huyện có hơn 110 hồ sơ.

Mặc dù, theo thống kê và phân tích về thực trạng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Đã qua việc người dân nộp hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3, 4 có phát sinh nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Đơn cử như tại huyện Cái nước, UBND huyện Cái Nước cho biết hiện tại cơ sở vật chất, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số xã, thị trấn chưa đảm bảo theo quy định. Việc đưa chi tiêu về tỷ lệ phần trăm số TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 quá cao. Trong khi đó năng lực thực hiện của một số công chức chưa đáp ứng được. Có rất nhiều TTHC không thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến: Đất đai, chứng thực… Bên cạnh đó, trình độ công nghệ thông tin của đại đa số người dân chưa thể tiếp cận được. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến rất thấp so với tỷ lệ TTHC đăng ký cung cấp dịch vụ.

Tại Sở Công thương, trong 127 TTHC của đơn vị, có 54 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 48 thủ tục mức độ 4. Có 2 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp mức độ 3 và 84 hồ sơ tiếp nhận mức độ 4…

Để loại hình dịch vụ này thực sự như kỳ vọng, các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát danh mục TTHC đã được phê duyệt, kết hợp lựa chọn những thủ tục có tần suất sử dụng nhiều, dễ triển khai để chuẩn hóa quy trình đưa vào cung cấp trên hệ thống…

Đối với người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại. Mạnh dạn sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và đảm bảo thuận tiện.

Và nên chăng, UBND tỉnh có thể xem kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ công trực tuyến là một tiêu chí thi đua để các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *