Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn cả nước giảm nhanh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì tại điểm cầu Cà Mau.

Ban Chỉ đạo đánh giá, nội dung Kết luận số 61 cũng như Quyết định số 673 là những cơ sở, chính sách và nguồn lực to lớn để Hội Nông dân Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; được cácbộ, ngành Trung ương và các địa phương tích cực phối hợp thực hiện, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Sôi nổi hơn cả là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Cụ thể, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký; trong đó có hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Có 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; trên 775 ngàn hộ thu nhập trên 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trên 505 ngàn hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; trên 27 ngàn hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, với mức giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, đến hết năm 2020 ước còn dưới 3%.

Trong 10 năm qua,  dù còn khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dânTrung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung gần 2.000 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương, các sở, ngành ở địa phương và các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 31 triệu lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng trên 33 ngàn mô hình trình diễn… Theo đó, đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất như:Máy làm đất, máy gieo hạt, máy tưới cây, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu…, góp phần đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, khuyết điểm: Một số địa phương tuyên truyền Đề án chưa sâu rộng; chưa quan tâm bố trí ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, bố trí biên chế sự nghiệp và tạo điều kiện cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân hoạt động.Còn một số nội dung của Kết luận 61-KL/TW triển khai chậm như: Đề án xây dựng “Mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn”; Đề án “Nâng cao năng lực truyền thông của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Đời sống của cư dân nông thôn tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng; kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững.

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đưa ra để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân và hội viên, nông dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ hiện nay. Bộ Công thương sẽ tập trung vào công tác liên kết chuỗi; tăng cường công tác khuyến công, khuyến nông; cụ thể là mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh chính sách về tam nông, gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề nông dân; trọng tâm là triển khai các đề án, dự án đã ký kết với các bộ, ngành ở Trung ương, các sở, ban, ngành liên quan để giúp người nông dân phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao quy mô sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, các hợp tác xã. Tổ chức đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn.

Đồng thời, thường xuyên nắm chắc tình hình, khó khăn, bức xúc của nông dân để kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, bảo về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nông dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *