Tỷ phú của người nghèo

Dưới ánh nắng vàng đang cố xé tan màn sương sớm, pha chút giá rét của những ngày xuân, người đàn ông da ngăm đen đang tất bật ban đất trên mặt ruộng phẳng lì để chuẩn bị xuống giống lúa vụ 2 (đông xuân). Vừa gặp mặt, tay anh ngưng cây cào đất và phân trần: “Em thấy đó, cuộc sống của anh gắn liền với cây lúa, đồng ruộng. Hết cấy, cày đến cắt lúa, xây xát lúa gạo…, cứ thế trôi qua, tính đến nay đã lỡ hẹn với em cả chục lần, nên em thông cảm”. Là tỷ phú “miệt vườn”, nhưng nhìn anh, tôi thấy quý sự lam lũ, cùng với nét chân chất, mộc mạc của một “Hai lúa” đúng điệu.

Gia đình anh Nguyễn Minh Thức (thứ 3 từ phải sang) là 1 trong 42 hộ nghèo, hộ khó khăn, được anh Tuấn giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.

HƠN 500 TRIỆU ĐỒNG GIÚP HỘ NGHÈO

Chờ anh rửa tay, tắt chiếc máy dầu đang chạy xình xịt, bơm nước từ ruộng ra sông để không bị ngập úng sau khi sạ lúa, rồi cùng anh về nhà, cách đó độ chừng 2km. Chưa kịp đi, bà Huỳnh Thị Hiệp từ trong nhà nói vọng ra: “Tuấn khoan hãy về, em hướng dẫn dùm chế cách trộn phân ủ lúa giống, để chế xuống giống đồng loạt cùng mấy anh em trong xóm”. Tôi cùng anh Trần Văn Thổ (Trưởng ấp) và anh Nguyễn Văn Sanh (hộ dân Ấp 1/5) theo chân anh Tuấn, anh như một kỹ sư, hướng dẫn bài bản, rành rọt, dễ hiểu kỹ thuật ươm giống, cách trộn và liều lượng phân, lượng lúa giống phù hợp cho từng diện tích… bà Hiệp thì cứ gật gật đầu, phấn khởi, sẵn trớn bà khoe: “Ở xóm này, ai không biết gì về cày cấy, ruộng nương cứ hỏi “kỹ sư Tuấn”. Không những thế, Tuấn còn là ân nhân, đồng hành giúp cho rất nhiều hộ nghèo trong xã vươn lên, trong đó có tôi”.

Rồi bà Hiệp chỉ về căn Nhà tình thương cất chưa tròn 1 năm của mình, ngoài tiền Nhà nước hỗ trợ, Tuấn đã hỗ trợ thêm 20 triệu đồng giúp tôi cất nhà; chưa hết đâu, tính đến nay đã 2, 3 lần Tuấn cho tôi mượn tiền làm vốn để đầu tư chăn nuôi. Nhìn về đàn gà khoảng 40 con mập tròn, ánh mắt hạnh phúc, bà Hiệp nói rằng: “Tôi đang tích cực chăm sóc chúng, để bán kiếm tiền ăn tết, tất cả cũng nhờ hết vào tấm lòng của Tuấn, người hàng xóm tốt bụng không ai sánh bằng”.
Trên đường về, anh Trần Văn Thổ dẫn chúng tôi ghé thăm nhà anh Nguyễn Minh Thức và anh Nguyễn Văn Sanh, 2 trong số hơn 40 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được anh Tuấn giúp đỡ vốn, tạo công ăn việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Sanh có 0,5ha đất sản xuất, có 4 khẩu và anh là lao động chính, thuộc diện hộ nghèo năm 2013, còn gia đình anh Thức tuy có 1ha đất sản xuất, nhưng kinh tế khó khăn. Nhờ anh Tuấn nhận 2 người làm công, phụ chở lúa, chạy máy cắt lúa, mỗi vụ các anh thu nhập 10 – 15 triệu đồng, nhờ đó mà nay anh Sanh, anh Thức đã thoát nghèo. Anh Thức cho biết: “Tuy gia đình giàu có, là tỷ phú ở miệt nông thôn này, song anh Tuấn rất bình dị, thương người, tôi và rất nhiều hộ nghèo ở xóm này mang ơn anh, bởi lúc hoạn nạn, khó khăn anh đều ra tay giúp đỡ”.

Anh Tuấn cho biết: “Tôi cũng từng đi lên từ hai bàn tay trắng, thấy hoàn cảnh bà con nào nghèo, nhưng chí thú làm ăn, giống như hoàn cảnh tôi trước đây thì tôi sẵn sàng tạo điều kiện, giúp đỡ họ vươn lên”.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết: “Anh Tuấn là một trong những điển hình nông dân tiêu biểu của địa phương, bởi trong quá trình sản xuất, anh luôn đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới, “với cái đầu” đi trước thời đại, đoán trúng xu thế mới, nên đã nắm bắt cơ hội tốt trong quá trình lao động sản xuất, kinh doanh, mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng/năm. Từ đó, gia đình có cuộc sống ổn định, lo cho con cái ăn học. Đáng quý hơn, anh có tấm lòng thiện nguyện, góp phần rất lớn cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo”.

“Từng khốn khổ nên tôi hiểu sự khó khăn của người nghèo. Khi khá giả, tôi tự nhủ, trong khả năng có thể sẽ ra sức giúp đỡ hộ nghèo có ý thức vươn lên và chí thú làm ăn. Số tiền tuy không lớn nhưng phần nào giúp người nghèo vượt qua lúc khó khăn nhất, tạo cơ hội để họ vươn lên thoát nghèo” – anh Tuấn bộc bạch.

Trở thành tỷ phú với nghề xay xát lúa, cắt lúa thuê, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, anh Tuấn không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, mà anh còn được biết đến là một mạnh thường quân nức tiếng trong vùng. Cụ thể, trong 5 năm qua, anh Tuấn đã hỗ trợ sửa nhà và cất mới 4 căn nhà cho hộ nghèo, với số tiền 110 triệu đồng; giúp đỡ cho hơn 22 hộ nghèo và 23 hộ khó khăn với số tiền hơn 400 triệu đồng, từ việc hỗ trợ giúp đỡ vốn làm ăn mà có 15 hộ đã thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ mỗi năm học từ 200 – 400 quyển tập cho học sinh nghèo, khó khăn hiếu học… Với thành tích ấy, anh xứng đáng là điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, được Thủ tướng tặng bằng khen vào tháng 10 vừa qua”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng trao Bằng khen của Thủ tướng cho anh Tuấn (giữa) cùng một số hội viên nông dân là điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012 – 2017.

NHIỀU LẦN CƯỢC CẢ GIA TÀI

Tiếp chúng tôi trong căn nhà kiên cố, rộng rãi, uống tách trà nóng, tráng miệng múi mít vườn ngọt lịm, anh Tuấn chia sẻ: “Có được cơ ngơi như bây giờ, lúc bắt đầu của tôi cũng gian nan lắm”. Rồi anh kể, sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà lại đông anh em nên hầu như chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Nhất là thời điểm 1986, gia đình anh phá sản do đầu tư kinh doanh chiếu phim rạp không hiệu quả. Cả 4 anh em của anh Tuấn đều phải nghỉ học, bung ra tìm kế sinh nhai. Đang học lớp 8, anh phải bỏ học cùng người anh đi làm thuê, chài lưới, bắt ốc… có khi đi cả tháng mới về nhà, để có tiền giúp cha mẹ trang trải cuộc sống lúc khó khăn. Đến năm 1989, anh Tuấn xin vào làm bốc vác cho một cơ sở xay xát lúa (còn gọi là máy chà lúa) ở địa phương, thấy anh chăm chỉ, chịu khó học hỏi, sau 1 năm làm việc, ông chủ cho anh chuyển lên bộ phận thợ rằn, đến vận hành máy.

Anh Tuấn chia sẻ: “Gần 10 năm gắn bó với công việc vận hành máy xay xát lúa, tôi gần như nằm lòng các chi tiết của hệ thống máy, vì thế hễ máy hư là tôi “điểm trúng huyệt”, nên nhiều nhà máy khác ở khu vực thường hay nhờ tôi đến sửa chữa, vận hành, cũng từ đó mà tay nghề càng cứng lên”.

Rồi từ một người làm công, học hỏi được một số kinh nghiệm, sau khi lập gia đình, năm 2000, anh Tuấn đầu tư toàn bộ tài sản tích cóp được, cộng với vay mượn anh em, bạn bè tổng cộng 72 triệu đồng (tương đương 16 lượng vàng) đầu tư nhà máy xay xát lúa, rồi mua thêm ghe để vận chuyển gạo xuống các huyện vùng mặn bán lẻ. Phải thời, việc làm ăn của anh thuận lợi “như buồm gặp gió”, nên chưa đầy 2 năm, anh đã lấy lại vốn. Có lãi, vợ chồng anh tích cóp mua đất, từ 0,3ha đất hương hỏa ban đầu, nay anh đã mua thêm trên 5,5ha đất nông nghiệp.

Theo dõi thông tin trên báo, đài, thấy nông thôn ngày càng phát triển, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, anh Tuấn nảy sinh ý tưởng đầu tư máy cắt lúa để bắt kịp xu thế mới. Anh Tuấn cho biết: “Khi ấy ở địa phương cũng đã xuất hiện một chiếc máy cắt lúa của Trung Quốc nhưng hoạt động chưa hiệu quả, bà con cũng chưa quen với chúng. Tôi nghĩ rằng, với tính năng vượt trội của máy cắt, dự đoán 1 – 2 năm sau, bà con sẽ chấp nhận, bởi chúng rất tiện lợi, giúp hạ thấp chi phí thu hoạch và công vận chuyển”.

Năm 2010, một lần nữa, anh Tuấn quyết đầu tư hết gia tài có được, số tiền trên 670 triệu đồng mua chiếc máy cắt lúa liên hợp, do Nhật Bản sản xuất. Đúng như dự đoán, bà con dần tin tưởng và tín nhiệm sau khi anh đưa máy cắt về phục vụ, khi ấy trên địa bàn toàn xã chỉ mới có 3 máy cắt lúa. Chỉ hơn một năm đưa vào hoạt động, anh tiếp tục thu hồi vốn chiếc máy cắt lúa và thấy nhu cầu cắt lúa của địa phương càng cao, 2 năm sau đó anh tiếp tục đầu tư thêm một chiếc máy cắt lúa nữa, mở rộng địa bàn cắt lúa sang các tỉnh bạn: Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Công việc khá nhiều và vất vả khi phải trực tiếp theo và chỉ đạo đội máy cắt lúa, đến việc bốc vác và vận hành máy xay xát lúa, thời gian rảnh, anh Tuấn tiếp tục nghiên cứu, chăm chút và áp dụng các kỹ thuật mới cho ruộng lúa nhà mình. Tham vọng của anh Tuấn hiện nay là sẽ tiếp tục áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, vừa mang lại lợi nhuận và sức khỏe cho người dân. Anh Tuấn, phấn khởi chia sẻ: “Vụ lúa đông xuân này, tôi phối hợp với một công ty phân bón ở Sài Gòn trồng thử nghiệm 1.000m2 lúa sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thay thế phân bón hóa học. Nếu thành công, tôi sẽ mở rộng diện tích, chia sẻ cho bà con cùng thực hiện, với mong muốn tạo ra nguồn gạo sạch, an toàn phục vụ cho gia đình và người tiêu dùng”.

Nhắc đến nông dân là nhắc đến sự gian truân, vất vả và sẽ càng rất khó để trở thành tỷ phú từ đồng ruộng. Ấy vậy mà ở mảnh đất Khánh Bình giàu truyền thống cách mạng đã xuất hiện một tỷ phú từ chính cái nghề nông tưởng như rất khó khăn này. Chia tay gia đình anh, trong tiếng máy chà lúa nổ xình xịt, tôi ngoái đầu lại và nhìn rất rõ hình ảnh của một anh nông dân nhỏ nhắn, đang tiếp tay cùng với mấy anh nhân công khuân vác từng bao lúa chuyển đến bồn máy chà, cho kịp ra gạo giao cho bạn hàng. Hình ảnh ấy càng khiến tôi nể phục – một nông dân sản xuất giỏi, với thu nhập tiền tỷ mà bình dị đến thế và đáng quý hơn khi anh còn dành tâm huyết cả đời cho các hoạt động thiện nguyện, giúp người nông dân thoát nghèo…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *