U Minh: Chuyển biến tích cực qua 10 năm thực hiện Đề án 1956

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là  quyền lợi của LĐNT, nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Đinh Cộng Hòa cho biết. 

Trong thời gian đào tạo, huyện đã triển khai 85 mô hình (68 mô hình nông nghiệp và 17 mô hình phi nông nghiệp) và 3 mô hình điển hình, đã hỗ trợ kinh phí trên 32 triệu đồng, lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả: Nghề nuôi cá bống tượng thương phẩm, nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nghề nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nghề nuôi cua biển, nghề trồng nấm… Có hơn 5.600 LĐNT tham gia học nghề. Hầu hết những người tham gia đều có đất canh tác nên họ đã có sẵn kinh nghiệm sản xuất, cộng với áp dụng kiến thức được học, mang lại hiệu quả, tăng thu nhập gia đình, cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Út (Ấp 6, xã Nguyễn Phích), chia sẻ: “Thời gian qua, tôi tham gia nhiều lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức. Nắm bắt được kỹ thuật, tôi áp dụng nuôi cua, tôm và trồng lúa trên 2ha đất sản xuất của gia đình, mỗi năm trừ chi phí còn lãi hơn 120 triệu đồng”.

Đối với nghề phi nông nghiệp: May dân dụng, nữ công gia chánh, đan đát…, để tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình cho người lao động, sau mỗi khóa học, địa phương kết hợp thành lập các tổ dịch vụ phục vụ tại địa phương: Tổ may gia công, nhóm phục vụ đám tiệc, tổ đan giỏ nhựa…

Nhìn chung, trong tổng số LĐNT được đào tạo nghề, có trên 80% học viên có việc làm ổn định, góp phần nâng tỷ lệ LĐNT đã qua đào tạo lên 25,1% vào cuối năm 2019. Công tác đào tạo, dạy nghề đã góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2010 – 2014 xuống còn 10,47% (giảm bình quân 2,62%/năm); giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 17,85% (giảm bình quân 4,46%/năm).

Ngoài ra, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội còn tư vấn cho người học tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Đối với những hộ học nghề xong có những mô hình làm ăn: Nuôi tôm sú, nuôi tôm càng xanh, nuôi cua biển… thì được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đinh Cộng Hòa cho biết thêm: “Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *