U Minh đẩy mạnh phát triển du lịch

Các sản phẩm nhỏ từ nghề đan đát phù hợp làm quà lưu niệm phục vụ du khách.

U Minh từ lâu nổi tiếng với những đặc trưng rất riêng mà ít nơi nào có được: Dâu Cái Tàu, những cánh rừng bạt ngàn và những sản phẩm từ rừng như cá đồng, mật ong. Đây chính là điều kiện tự nhiên rất tốt để huyện phát triển loại hình du lịch sinh thái. Gần đây, huyện tiếp tục quy hoạch chương trình mỗi xã một sản phẩm, hứa hẹn mang đến nhiều loại hình du lịch trong tương lai. 

Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, thông tin: “Đến nay, huyện xác định được 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng của huyện gồm: Cây bồn bồn xã Khánh An; nghề đan đát truyền thống và trái dâu cái tàu xã Nguyễn Phích; rau sạch thị trấn U Minh; cá lóc đồng xã Khánh Lâm; cá khô biển xã Khánh Hội; nấm rơm xã Khánh Hòa; chả cá phi xã Khánh Tiến; chuối xiêm xã Khánh Thuận. Các sản phẩm này dự kiến sẽ được công nhận trong năm 2019. Khi đó sẽ tạo sự đa dạng sản phẩm, mở hướng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trong cộng đồng. Huyện cũng đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh củng cố, tạo thương hiệu các sản phẩm đặc trưng tại địa phương”.

Chị Sơn Thị Sự, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cá khô thương phẩm Hương Quê (xã Khánh Hội), thông tin: “Bước đầu cho thấy Tổ hợp tác đang phát triển tích cực, do cá khô của Tổ hợp tác được làm từ nguồn cá tươi, lại không ướp các chất bảo quản nên chất lượng khô rất ngon, đảm bảo cho sức khỏe, từ đó được nhiều người dân tin dùng. Các chị em trong tổ cũng hỗ trợ qua lại rất tốt, từ khâu chế biến cho đến khâu tiêu thụ. Hiện tại trung bình một ngày mỗi chị cũng có thêm thu nhập từ 150 – 200 ngàn đồng, bước đầu mà được như vậy chị em rất phấn khởi. Nếu phát triển sản phẩm làm quà tặng cho khách du lịch, tôi tin rằng thời gian tới sẽ phát triển hơn”.

Nghề đan đát truyền thống ở xã Nguyễn Phích đã hình thành cách nay hơn 50 năm, tập trung nhiều nhất ở các ấp: 2, 3, 4, 5, 6; hiện nay còn khoảng 70 hộ tham gia, chủ yếu là đan thúng, rổ, giần, sàng, nia và thắt ghế, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gần đây, các mặt hàng đan đát từ trúc, tre giảm dần, bởi mặt hàng nhựa đang phát triển mạnh trên thị trường. Hơn nữa, nhiều hộ dân đưa cơ giới vào ban đất vườn, phá bỏ cây trúc, cây tre để đưa nước mặn vào nuôi tôm, làm cho nguyên liệu làm nghề đan đát giảm đi, có những hộ phải đi mua nguyên liệu từ huyện Thới Bình về để sản xuất, sau khi trừ chi phí, thu nhập không được nhiều.

Chủ tịch UBND huyện U Minh, ông Dư Bé Ba thông tin thêm: “Để duy trì phát triển làng nghề đan đát truyền thống, huyện chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập Tổ hợp tác đan đát với 22 thành viên tại xã Nguyễn Phích, nên chuyển đổi dần từ đan đát truyền thống những sản phẩm lớn, sang sản xuất sản phẩm nhỏ hơn phục vụ du lịch như thúng bông, rổ bông, lồng đèn, giỏ… để làm quà lưu niệm. Đồng thời liên kết với các điểm du lịch ở các địa phương khác để ký kết cung cấp sản phẩm đan đát, tìm đầu ra cho người dân. Đặc biệt UBND huyện giao Phòng Kinh tế – Hạ tầng thành lập gian hàng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm tại hội chợ thương mại tại huyện từ ngày 19 – 25/5/2019, nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện.

Ông Võ Văn Liêu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích, nói: “Trên địa bàn xã hiện còn 16 hộ trồng dâu Cái Tàu, với diện tích 15ha. Hàng năm, vào mùa dâu chín, mỗi vườn đón từ 50 – 100 khách du lịch mỗi ngày, có thu nhập từ các dịch vụ như vé vào cổng, phục vụ ăn uống tại chỗ và bán dâu cho khách mang về từ 40 – 80 triệu đồng một vụ”.

Ngoài ra, U Minh còn có Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm. Đây là loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn khi đến U Minh. Vào dịp lễ tết, những nơi này đón hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, các khu du lịch này chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ đi kèm tuy vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ngoài ra, với thế mạnh về nông nghiệp, hiện nhiều bà con trên địa bàn huyện phát triển mạnh vườn cây ăn trái: Cam, quýt, mận, sầu riêng và tính đến chuyện làm du lịch cộng đồng.

Ông Trần Thanh Liêm (Ấp 10, xã Nguyễn Phích), là chủ vườn quýt lớn nhất xã, cho rằng: “U Minh đang chứa đựng một tiềm năng rất lớn về du lịch nhà vườn. Nếu được tổ chức tốt, tập huấn kỹ càng và có sự liên kết giữa các hộ dân, tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm du lịch để mang đến nguồn doanh thu không nhỏ cho người dân”.

Với mặt hàng đan đát truyền thống, huyện chủ trương vận động người dân khu vực lâm phần tận dụng đất trống trồng tre, trúc để cung cấp nguyên liệu cho nghề và sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch. Ông Dư Bé Ba cho biết: “Ngoài du lịch, chúng tôi cũng sẽ đi kèm với phát triển dịch vụ. Huyện đang xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể để làm sao khai thác tối đa các thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển du lịch và dịch vụ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *