U Minh: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy

Nhiều chướng ngại trên sông gây khó khăn cho người tham gia giao thông thủy. (Ảnh chụp tại ngã ba Rạch Choại, xã Khánh Tiến).

Địa bàn huyện U Minh có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Theo đó, có nhiều người dân mưu sinh bằng nghề đáy, lú, vó trên sông. Và những phương tiện hành nghề này đã trở thành những chướng ngại, nguy hiểm cho người tham gia giao thông thủy.

Tuy Luật Giao thông đường thủy nội địa và văn bản của UBND tỉnh nghiêm cấm đặt vật cố định khai thác thủy sản trên sông. Thế nhưng, đối với nhiều hộ dân, đây lại là phương tiện mưu sinh nên đã qua chính quyền địa phương khó xử lý dứt điểm.

Hành nghề thuộc diện bị cấm nói trên, song hộ anh Nguyễn Văn Hoài (Ấp 3, xã Khánh Tiến) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Để phụ giúp mẹ lo cho cả nhà, anh Hoài và em trai đã có gần 10 năm trong nghề câu mực. Cuộc sống khó khăn buộc anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Ban ngày anh phụ mẹ đặt lú, chiều xuống ra biển với chiếc vỏ máy đánh bắt gần bờ. Tiền vay để mua vỏ máy đến nay vẫn chưa trả hết. Dù biết đặt lú trên sông là vi phạm, nhưng đó là cách mưu sinh của gia đình trong nhiều năm qua. Anh Lê Văn Dũng, Phó trưởng Công an xã Khánh Tiến: “Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Khi lực lượng đến nơi thì ai cũng cam kết không tái phạm nhưng sau đó thì mọi hoạt động lại tái diễn”.

Theo ghi nhận, hầu hết các tuyến kênh chính từ huyện về xã Khánh Hội, Khánh Tiến, Khánh Lâm, Khánh Hòa chằng chịt những hàng cây dùng để đặt lú, chiếm gần 2/3 diện tích sông, gây cản trở tầm nhìn và trở ngại cho phương tiện thủy lưu thông, nhất là vào ban đêm.

Hiện nay, đang vào mùa mưa bão, giông gió xảy ra bất thường, các chướng ngại này mọc lên càng nhiều, càng tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Cách xử lý của nhiều địa phương còn cảm tính, chưa thực thi hết chức năng và quyền hạn của mình, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để làm dừng, làm giảm tình trạng này. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để bà con gỡ bỏ các chướng ngại, gắn với việc đẩy mạnh đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho những hộ sống bằng các nghề này. Đó mới là giải pháp thiết thực, trả lại nguyên trạng cho dòng sông, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông đường thủy.

Xã Khánh Tiến đang phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay, thiết nghĩ vấn đề này cần thực hiện kiên quyết hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *