Ứng phó thiên tai: Phải chủ động, tự cứu lấy mình

“Bão số 16 không đổ bộ vào Cà Mau được xem là sự việc cực kỳ may mắn đến mức hiếm có, vì thế nên chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục nâng cao mức độ cảnh báo, tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó hơn trong thời gian tới lên mức cao nhất; quyết tâm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân”, Chủ tịch tỉnh nhận định tại cuộc họp rút kinh nghiệm công tác ứng phó cơn bão số 16, diễn ra trong tuần qua. Công tác chỉ đạo, thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 16 vừa qua như là một bài học lớn, bởi qua đây cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cà Mau đã rút ra những hạn chế, khuyết điểm mà lâu nay trong chương trình, kịch bản diễn tập ứng phó thiên tai, đặc biệt là thiên tai mang cấp độ thảm họa, chưa tính đến.

Dịp Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó với cơn bão số 16 (bão Tembin), nhiều cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc, đặc biệt trong đó có 7 doanh nghiệp đã chủ động giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân tránh trú, phục vụ các điều kiện sinh hoạt cho người dân, xứng đáng được biểu dương. Ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Bạch Đằng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải trao bằng khen cho các cá nhân.

Nhiều bài học được rút ra

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã rất bức xúc khi công tác chỉ đạo, điều hành cũng như huy động việc chằng chống nhà cửa, di dời người dân, neo đậu tàu thuyền gặp rất nhiều khó khăn, khác rất xa so với những đợt diễn tập trước đó. Bài học rút ra là ý thức cảnh giác, tinh thần tự nguyện, năng lực cán bộ, cơ sở hạ tầng của chúng ta còn yếu và nhiều hạn chế, chưa có kinh nghiệm ứng phó thiên tai, nhất là bão lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Thiên tai luôn mang yếu tố bất ngờ, chỉ có thể dự báo mang tính chính xác gần nhất có thể và đây là hiện tượng thiên nhiên, nhiều biến đổi. Vì thế, sự chủ động, tự bảo vệ bản thân của mình, tài sản mình phải được đặt lên hàng đầu. Phải tự mình bảo vệ chính mình, không ai làm thay, chỉ có thể giúp đỡ”.

Chỉ ra những tồn tại và hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện vừa mang tính cấp bách vừa mang tính dài hơi nhằm tăng tính chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Theo đó, cần đánh giá, rà soát lại công tác quy hoạch xây dựng nhà ở mang tính chiến lược. Gắn công tác quy hoạch xây dựng nhà ở tại các cụm, tuyến dân cư có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai, nhà ở của người dân; hạ tầng, nhà máy của doanh nghiệp phải có tính chống chịu thiên tai. Tập trung và hoàn thiện xây dựng các khu tái định cư gắn với định canh, ưu tiên những nơi có nhu cầu bức xúc. Tăng cường các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện các công trình đê, kè ven biển, ven sông; chủ động bồi trúc bờ bao, nâng cao các tuyến lộ giao thông, hoàn thiện khép kín các công trình thủy lợi. Trồng và bảo vệ rừng nghiêm ngặt, nhất là tuyến rừng phòng hộ nhằm tạo lá chắn bảo vệ tuyến bờ, cùng với đó là phát động nhân dân trồng thật nhiều cây phân tán. Rà soát, giải tỏa tạo thông thoáng lòng sông, kênh rạch, các bến neo đậu tàu thuyền. Tăng cường quản lý tàu cá, nhất là phương tiện khai thác ven bờ có công suất nhỏ, phương tiện thủy gia dụng có tham gia khai thác hải sản.

Thời điểm ứng phó cơn bão số 16, các lực lượng chức năng có nhiều nỗ lực trong việc kêu gọi phương tiện vào nơi tránh, trú an toàn.

Công tác thông tin phải chủ động, kịp thời, chính xác

Đối với nhóm công tác tuyên truyền, Chủ tịch tỉnh yêu cầu nâng cao tầng suất thông qua nhiều hình thức nhằm tạo ý thức phòng, tránh, chống thiên tai trên tinh thần phải tự bảo vệ mình trước khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Cần phải có kế hoạch chủ động trong huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhiên liệu… “Phải xem đây như là một “trận chiến”, xác định lực lượng tham gia gồm những ai, ở vị trí nào, phương tiện và hậu cần ra sao. Tất cả phải vào vị trí sẵn sàng “chiến đấu” thì mới mong giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại”. Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh và tỏ rõ quan điểm không hài lòng khi kiểm tra công tác ứng phó bão 16 vẫn còn đó những bất cập trong di dời và đưa dân vào những nơi tránh, trú an toàn. Di dời thì không biết di dời vào đâu, địa điểm nào, “bí” quá lại đưa vào những điểm sinh hoạt văn hóa khóm, ấp với công trình xây dựng nhà cấp 4, nguy cơ lại càng cao. Việc chằng chống nhà ở một số nơi còn làm lấy lệ, làm cho có, thậm chí bỏ luôn căn nhà, mà không hiểu rằng việc chằng chống là nhằm giảm thiểu, còn hơn là phải xây dựng và mua sắm mới hoàn toàn.

Trong nhóm vấn đề thứ ba, Chủ tịch tỉnh đi sâu phân tích, làm rõ những hạn chế ngay trong thời điểm thiên tai ảnh hưởng. Công tác thông tin phải chủ động, kịp thời, chính xác đến từng cán bộ, chiến sĩ và tận người dân để ứng phó một cách phù hợp tình hình, sát thực tế, tránh chủ quan. Nâng mức ứng phó lên cấp độ cao nhất có thể để chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của mọi người, thành phần, tuy nhiên cũng cần ngăn ngừa tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân. Thực hiện tốt phương châm ứng phó thiên tai theo hướng 4 tại chỗ: Chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần.

Đối với nhóm nhiệm vụ khắc phục sau thiên tai, Chủ tịch tỉnh đề nghị cần đảm bảo về sức khỏe, dịch bệnh, an ninh – trật tự; tập trung khắc phục thiệt hại và khôi phục lại sản xuất nhanh chóng.

Năm 2017, thiên tai tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau. Triều cường ngày càng lên nhanh, cấp độ ngày càng cao, gây hại đến sản xuất, sinh hoạt, hạ tầng giao thông. Sạt lở đất diễn ra khắp nơi, nhất là tại các tuyến dân cư ven sông trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Nhiều tuyến bờ biển Đông và Tây bị sạt lở nghiêm trọng, làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ. Mưa lớn kéo dài gây ngập, thiệt hại lớn đến trồng lúa, hoa màu; giông lốc làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Trên biển, nhiều tàu chìm, làm chết người và mất tích… Ước thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 hơn 44 tỷ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *