“Ươm mầm” Trên đất U Minh

Gương mặt hồn nhiên của trẻ em vùng sâu, vùng xa xã Khánh An.

Điểm trường Mẫu giáo Hoa Tường Vi nằm sâu trong khu A – Khu tái định cư Khánh An, là một trong những điểm trường do Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp tỉnh tài trợ xây dựng. Ở vùng ven rừng này, nhiều gia đình chưa chú trọng đến việc học tập, vui chơi của trẻ ở tuổi mẫu giáo, nên việc vận động trẻ đến trường gặp nhiều khó khăn. Trong ba tháng hè, các cô phải thường xuyên đến động viên từng gia đình. Công việc dạy trẻ ở vùng sâu vùng xa cũng khá vất vả, vậy mà nhiều năm nay, 20 giáo viên vẫn bám trường, bám lớp, âm thầm, nhiệt tình với công việc và chưa một ai bỏ lớp, bỏ trò.

“Khi nhận nhiệm vụ về trường công tác, tôi đã bật khóc! Tôi nghĩ mình không bám trụ nổi. Nhưng khi nhìn thấy những gương mặt hồn nhiên, dễ thương của các cháu, tôi lại nghĩ phải làm thế nào để ươm những mầm non tương lai trở thành hoa thơm trái ngọt. Với suy nghĩ đó, hằng ngày chúng tôi không quản ngại công việc, bận rộn từ sáng sớm đến chiều, đôi lúc phải giữ trẻ đến tối, do phụ huynh bận việc đồng áng, về nhà lại bận rộn với công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ… Là một trong những giáo viên từng trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nay được nhà trường phân công phụ trách chuyên môn, tôi cố gắng làm từng bước để phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế. Không yêu nghề thì khó mà bám trụ lâu dài”, cô Cao Hồng Cẩm, Phó Hiệu trưởng trường, chia sẻ.

Cô Cao Hồng Cẩm (trái), Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Tường Vi và cô Trần Thị Niềm hướng dẫn trò chơi cho trẻ.

Chứng kiến từng cử chỉ ân cần, âu yếm dỗ dành khi trẻ khóc, từng động tác múa khi dạy trẻ, đút cho trẻ từng thìa cơm, chăm chút từng giấc ngủ, gần gũi yêu thương…, tôi thầm cảm phục cái tài nuôi dạy trẻ “không thua ai” của các cô giáo vùng sâu. Bé Nguyễn Chí Quỳnh, học lớp Lá, nói: “Các cô dạy con múa, hát, vẽ tranh, làm đồ chơi… Con yêu các cô lắm!”.

Cô Lê Hồng Điệp, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Trường hiện có 20 giáo viên, nhân viên, nuôi dạy hơn 148 cháu. Nhiều cô nhà ở xa, điều kiện đi lại khó khăn. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường khuyến khích các cô tự học, tự sáng tạo làm đồ dùng trong phục vụ công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”.

Chia sẻ những khó khăn của trường, ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo U Minh: “Với những điểm trường địa bàn vùng sâu, vùng xa như Trường Mẫu giáo Hoa Tường Vi, nhiều năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện huy động các giáo viên có sức khỏe, ý chí và tâm huyết với nghề xung phong bám lớp. Giáo viên dạy tiểu học đã khó, giáo viên dạy mầm non lại càng khó khăn trăm bề. Cái khó của giáo viên ở đây là các cô vừa nuôi dạy trẻ, vừa vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đến lớp. Đặc biệt, với giáo viên mầm non giọng nói phải nhỏ nhẹ, trìu mến để các em yêu trường lớp, yêu cô giáo như yêu mẹ hiền, có như thế các em sẽ không bỏ học”.

Tuy vật chất nhà trường còn thiếu thốn, nhưng với lòng nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ, các cô đã vượt qua khó khăn, miệt mài ươm những mầm xanh trên đất rừng U Minh Hạ, vì tương lai tươi sáng của con em vùng sâu, vùng xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *