Vẫn còn tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài

Trước khi ra khơi, ngoài tuyên truyền ý thức phòng chống thiên tai, trang bị các dụng cụ cứu hộ cứu nạn, cán bộ Đồn Biên phòng còn tuyên truyền ngư dân cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Lỗi vô ý (?)

Xã Khánh Hội (huyện U Minh) có hơn 500 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có 114 phương tiện công suất dưới 20CV, ngoài ra còn có hơn 400 phương tiện vỏ lãi đánh bắt tự phát gần bờ. Trong 2 năm qua, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên địa bàn đã có bước chuyển biến rõ rệt. Cụ thể: Năm 2016, trên địa bàn có 14 trường hợp vi phạm, nhưng đến năm 2018 chỉ có 1 trường hợp.

Khi thực hiện chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, Khánh Hội là một trong những địa phương đi đầu. Thông qua hệ thống giám sát, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 2 phương tiện thuộc địa bàn xã vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy không bị nước bạn bắt giữ vì được phát hiện và kêu gọi quay về kịp thời, nhưng đây cũng là điều đáng lưu ý đối với ngư dân. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Châu Minh Đảm cho biết: “Có nhiều phương tiện, do không có chủ đi theo, tài công được thuê đứng lái chưa dày dặn kinh nghiệm để biết vùng lãnh hải trên bản đồ”.

Thực tế, còn nhiều chủ phương tiện lại “đổ lỗi” cho thiết bị giám sát hành trình, vì cho rằng thiết bị giám sát hành trình có hệ thống cảnh báo khi vi phạm vùng lãnh hải, nên cứ cho phương tiện chạy mãi, đến khi được biên phòng gọi về mới hay mình vi phạm (?). Theo ngành chức năng, thì thiết bị giám sát hành trình không có chế độ cảnh báo vi phạm lãnh hải. Dù được tư vấn kỹ về chức năng của thiết bị giám sát, nhưng khi xảy ra sự việc thì các chủ phương tiện lại đổ lỗi cho thiết bị thì có phần vô lý.

Điều này đã gây ra những hệ quả tiêu cực, mà một trong số đó là việc Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của ngư dân cũng như sự phát triển của ngành khai thác thủy sản. Việc chấm dứt việc xâm phạm, khai thác vùng biển nước ngoài – giải pháp để EC nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng là việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và hơn hết là sự ý thức, ủng hộ của ngư dân.

Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương đến vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép là do ngư trường nước bạn còn nhiều nguồn lợi, lợi nhuận kinh tế cao. Thời gian qua, nhiều ngư dân cùng phương tiện đã bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ, thu ngư lưới cụ, phá hủy phương tiện, gây thiệt hại về kinh tế hàng tỷ đồng. Những chế tài mạnh tay ở nước sở tại cũng khiến cho nhiều ngư dân ý thức hơn trong việc không xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

Thời gian qua, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng “gõ cửa” từng hộ để tuyên truyền vận động, hướng dẫn ngư dân nhận biết vùng lãnh hải nước bạn.

Chuyển biến tích cực từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Nhưng có một điều đáng ghi nhận là thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá, việc quản lý phương tiện đánh bắt cũng như ý thức không xâm phạm vùng biển nước ngoài trong ngư dân đã được nâng lên. Dù có thiết bị giám sát hành trình tàu cá trợ lực trong quản lý, nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng không lơ là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân. Từ đầu năm đến nay, xã Khánh Hội đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tổ chức 10 lớp tập huấn để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước, ranh giới lãnh hải để bà con có thể tránh lỗi vô tình xâm phạm sang lãnh hải nước bạn… Nếu phương tiện nào còn cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Đảng ủy, UBND xã còn ban hành kế hoạch tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên có người thân hoặc phương tiện đánh bắt thì phải cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Đảm cho biết.

Ông Bùi Tấn Thành (Ấp 3, xã Khánh Hội) đã có hơn 40 năm theo nghiệp biển, hiện gia đình ông có 1 phương tiện thu mua và 1 phương tiện đánh bắt, công suất đều trên 90CV. Cả 2 phương tiện ông Thành đều cho lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá từ sớm, bởi nhận thức được những ích lợi mà thiết bị mang lại. Bản thân ông khi giao phương tiện cho tài công vươn khơi, ông Thành luôn nhắc nhở trách nhiệm của tài công là không để vi phạm lãnh hải nước ngoài. Ông Thành chia sẻ: “Trước đây thuê tài công đi, chủ ghe không nắm được hành trình, do ăn chia phần trăm mà xảy ra tình trạng là tài công đánh liều sang đánh bắt vùng biển nước bạn để có thu nhập cao. Nhưng giờ đã có thiết bị giám sát hành trình theo dõi hằng giờ, rất thuận lợi cho chủ phương tiện ở trong đất liền giám sát, nhắc nhở. Bởi nếu rủi ro mà bị bắt, bị nước bạn tịch thu, phá hủy phương tiện thì thiệt hại là rất lớn”.

Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng chủ tàu, ngư dân, giúp họ hiểu rõ việc xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng để từ đó ký cam kết không được vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, theo dõi 24/24 giờ, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo những phương tiện vi phạm, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá, chủ tàu cá, thuyền trưởng có biểu hiện vi phạm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *