Về địa chỉ đỏ Rạch Gốc – Tân Ân

Cách đây 80 năm, ngày 13/12/1940, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi. Ngày 13/12/1940 được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Hòn Khoai được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 27/4/1990.

Chăm lo đời sống người có công, thể hiện sự tri ân sâu sắc.

Ngược dòng lịch sử

Ôn lại lịch sử, chúng tôi – những người con được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, đã tìm hiểu cội nguồn cách mạng. Trò chuyện với bác Sáu Tuôi (Huỳnh Văn Tuôi, 85 tuổi), cán bộ lão thành cách mạng ở thị trấn Rạch Gốc, chúng tôi bị cuốn theo cảm xúc tự hào về quá khứ oanh liệt của tiền nhân…

Theo lời bác Sáu kể, hồi đó cha ông là học trò của thầy giáo Hiển (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển – PV). Khi khởi nghĩa Hòn Khoai diễn ra, thực dân Pháp siết chặt cai trị, lùng sục vùng đất này, một ngày bọn chúng đốt phá hơn trăm nóc gia, trong đó có nhà ông Sáu Tuôi, rồi bắn tỉa từng người một. Dân xứ này một lòng theo cách mạng, che chở cán bộ, chiến sĩ suốt hành trình chiến đấu của quê hương.

Những “hạt giống đỏ” của Đảng được bén rễ, đâm chồi trên mảnh đất Rạch Gốc – Tân Ân từ khi Đảng ra đời. Gốc me, Đình thần nơi đây trở thành phòng họp bí mật, sân cỏ làm thao trường, mà sản sinh, rèn luyện biết bao cán bộ, chiến sĩ trung kiên, anh dũng cho quê hương. Cơ duyên tôi được gặp ông Tiết Văn Dũng, người có nhiều năm ở gần nhà và là cháu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa.

Ông kể: “Gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa có 5 người con đều hoạt động cách mạng. Năm 1937, thầy giáo Phan Ngọc Hiển (lúc đó 27 tuổi) đến Rạch Gốc dạy học. Ông cậu tôi – Bông Văn Dĩa rất quý mến thầy giáo Hiển, họ kết thành bạn thâm giao, rồi trở thành đồng chí, cùng một lòng theo Đảng. Hai người em của ông Bông Văn Dĩa là Bông Văn Nở và Bông Văn Khinh được thầy giáo Hiển giác ngộ, cùng tham gia cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, sau đó đều bị đày khổ sai ra Côn Đảo. Sau này ông Bông Văn Dĩa được cấp trên giao phó nhiều công tác đặc biệt, vận tải tiếp tế vật liệu, vũ khí cho các đơn vị chiến đấu ở chiến trường. Ông luôn bình tĩnh, mưu trí, tìm cách đối phó với địch, đưa được hàng phục vụ tốt cho chiến đấu”.

Ông Tiết Văn Dũng “khoe” tài sản quý báu của mình là những tác phẩm viết về khởi nghĩa Hòn Khoai và người chiến sĩ anh hùng Bông Văn Dĩa.

Quê hương đổi mới

Đi lên từ gian khó, nhưng với truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng, những người con của Rạch Gốc – Tân Ân luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.

Trên cơ sở điều chỉnh diện tích và nhân khẩu của xã Tân Ân, năm 1999 thành lập xã Tân Ân Tây, năm 2009 thành lập thị trấn Rạch Gốc. Cán bộ và nhân dân xứ này luôn chung ý chí, chung lòng trong xây dựng quê hương đi lên xứng danh vùng đất anh hùng.

Xã Tân Ân Tây đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Ngọc Hiển, được công nhận năm 2017. Lộ giao thông nông thôn phủ kín 12/12 ấp; hơn 71% nhà ở dân cư đạt chuẩn, không có nhà ở tạm bợ; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên 600 tỷ đồng.

Năm nay thị trấn Rạch Gốc thực hiện cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết, xây dựng đô thị văn minh đạt 16/26 tiêu chí. Đảng bộ tập trung chỉ đạo các cấp ủy, các chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Năm 2020, Đảng bộ không có chi bộ trực thuộc bị xếp loại yếu kém, Đảng bộ thị trấn đạt “Trong sạch, vững mạnh”. Tương lai Rạch Gốc sẽ trở thành khu đô thị trung tâm của huyện Ngọc Hiển và là cửa ngõ kinh tế biển của tỉnh.

Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Bia tưởng niệm các liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai được xây dựng tại thị trấn Rạch Gốc gần 30 năm nay. Đó là biểu tượng của niềm tự hào, để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng biển này tiếp nối truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương phát triển. Hàng năm, địa phương phát động tháng cao điểm thực hiện các phong trào thi đua dịp kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hòn Khoai… Đặc biệt, vào ngày 14/6 âm lịch (ngày 10 chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai hy sinh – PV), chúng tôi đều tổ chức lễ giỗ tại bia, với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân”.  

Người dân nơi đây không ngừng ra sức lao động, góp sức dựng xây quê hương.

Địa điểm Cây me Rạch Gốc (xã Tân Ân), nơi thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã khơi dậy tinh thần yêu nước, tư tưởng cách mạng; nơi chi bộ đầu tiên được thành lập ở các xã vùng Năm Căn (nay là Ngọc Hiển) năm 1935, thổi bùng ý chí đấu tranh – đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 13/7/2016. Những năm qua, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống để thế hệ hôm nay tìm về tri ân, tự hào và nguyện tiếp bước.

Một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ, ở miền quê Rạch Gốc – Tân Ân ngày nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trở nên thiết thực, là động lực trong suốt tiến trình xây dựng, phát triển. Tại Trường THCS Bông Văn Dĩa, việc gắn học tập và làm theo Bác với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thi đua “Dạy tốt – Học tốt”… đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm hơn 40%; tỷ lệ học sinh lên lớp chiếm hơn 97%; tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức tốt chiếm hơn 96%. Ngôi trường mang tên người anh hùng Bông Văn Dĩa đang phấn đấu xây dựng để được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia vào cuối năm nay.

80 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần và hào khí anh hùng, tư tưởng cách mạng của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn luôn sáng ngời. Đó là ngọn đuốc thiêng sáng mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Cà Mau trên đường phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Những tấm gương anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai vẫn còn vang mãi và trường tồn trong niềm tri ân của các thế hệ người dân Cà Mau nói chung và xứ Tân Ân – Rạch Gốc nói riêng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *