Vì một nền giáo dục phát triển

* Đất nước ta đã tròn 70 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945). Trong hành trình ấy, nền giáo dục cách mạng không ngừng phát triển và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Ông có thể khái quát một số thành tựu nổi bật của giáo dục Việt Nam trong 70 năm qua?

Ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT: Ngay sau ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, trong hoàn cảnh vận mệnh đất nước như “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, “Diệt giặc dốt”, coi đây là khâu đột phá để nâng cao dân trí. Phong trào “Bình dân học vụ” đã đạt được kết quả quan trọng trong việc xóa mù chữ. Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một “kỳ tích” của nền Giáo dục Việt Nam. Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức kháng chiến đã trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Phong trào thi đua “Nghìn việc tốt”, thi đua làm theo lời Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên.

Dù phải dạy và học ở các vùng an toàn khu, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng ngành Giáo dục đã đào tạo được một thế hệ nhân lực có phẩm chất, năng lực, trình độ cao, đặt nền móng vững chắc không chỉ cho nền giáo dục nước nhà, mà còn là lớp cán bộ kiên trung của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, cứ 1 triệu người dân mới có 32 người có trình độ cao đẳng, đại học thì ngày nay chúng ta đã hoàn thành phổ cập Giáo dục tiểu học – xóa mù chữ, hoàn thành phổ cập Giáo dục THCS và đang phổ cập Giáo dục cho trẻ em mầm non 5 tuổi.

Ông Nguyễn Minh Luân (trái), Giám đốc Sở GD&ĐT, nhận quà lưu niệm từ lãnh đạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại Lễ tốt nghiệp và trao Bằng cử nhân ngành Báo chí, do tỉnh Cà Mau kết hợp với nhà trường tổ chức, tháng 10/2015.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục đang có những bước chuyển biến cơ bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân, hướng đến mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đóng góp và làm việc hiệu quả, xây dựng nền giáo dục mới, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt.

* Riêng với giáo dục Cà Mau, qua hai năm thực hiện việc đổi mới căn bản GD&ĐT, đạt được những kết quả bước đầu như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Luân: Trong hai năm qua, ngành Giáo dục Cà Mau đã nỗ lực quan tâm đặc biệt trước hết và thu được những kết quả bước đầu đáng trân trọng về việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Theo đó, trên cơ sở các văn bản của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát lại các mã ngành đào tạo giáo viên giai đoạn 2015 – 2020 để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau.

Hiện nay, tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu giáo viên vì không đồng bộ các bộ môn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang được lãnh đạo ngành phối hợp khắc phục. Theo đó, phối hợp các cấp, các ngành, các địa phương, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục giải quyết sự bất hợp lý về đội ngũ giáo viên bằng việc tăng cường quản lý nhà nước, điều chuyển, sắp xếp lại để tạo sự cân đối giữa các nhà trường. Tính toán quy hoạch lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để đảm bảo có chất lượng và đồng bộ, hợp lý về cơ cấu môn học, tạo sự ổn định tư tưởng và yên tâm công tác…

Sở GD&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non đến cao đẳng; phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Bên cạnh đó, việc tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị trường học cũng gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần đổi mới ngành Giáo dục tỉnh nhà. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, quan tâm cấp học mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; ngành Giáo dục đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên để phát triển giáo dục ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai việc đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục cao đẳng và giáo dục nghề nghiệp.

* Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Là người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh, ông có đôi điều nhắn nhủ với các thầy cô giáo trong toàn tỉnh – những người đã và đang thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả?

Ông Nguyễn Minh Luân: Ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào, nhưng so với yêu cầu phát triển đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất về GD&ĐT; kiên quyết khắc phục hạn chế, đẩy lùi yếu kém trong giáo dục.

Nhân dịp những tháng ngày hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi đề nghị các cấp quản lý thuộc ngành Giáo dục tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng của ngành; tiếp tục phát huy và nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình mới, cách làm hay của các điển hình tiên tiến; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của sự nghiệp Giáo dục tỉnh nhà, nhất là những nhà giáo trực tiếp giảng dạy, nhà giáo là nữ, nhà giáo đang công tác ở vùng khó khăn và các em học sinh, sinh viên nỗ lực sáng tạo, có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có nghĩa cử cao đẹp.

Chúng ta đang đứng trước yêu cầu của thời đại. Đổi mới giáo dục là mệnh lệnh của cuộc sống, bởi một đất nước muốn phát triển bền vững phải có một nền giáo dục phát triển. Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi đổi mới. Trong đó năng lực của người học, vấn đề phát triển cá nhân đang được chú trọng. Vị thế của ngành Giáo dục không cho phép chúng ta bình chân được. Sự chuẩn mực cũng không cho phép chúng ta vội vã. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây là lúc cần thiết tập trung trí tuệ để tìm hướng đi đúng đắn cho từng trường học, cho từng địa phương và cho toàn ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau để từ đó có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển giáo dục nước nhà.

Khó khăn rất nhiều nhưng đây cũng là cơ hội lớn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp cũng như các em học sinh, sinh viên đang kỳ vọng vào đội ngũ chúng ta, những nhà quản lý giáo dục và các nhà giáo. Đây cũng là niềm tin của nhân dân đối với chúng ta. Thay mặt lãnh đạo ngành, tôi tha thiết kêu gọi sự đoàn kết, tập trung trí tuệ và tình cảm của các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên chức trong ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau vì một nền giáo dục phát triển.

Đồng thời, tôi cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Giáo dục, coi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, cùng ngành Giáo dục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.

Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau; cảm ơn các đồng chí cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền các địa phương; các lực lượng xã hội; các bậc phụ huynh học sinh đã quan tâm, giúp đỡ ngành Giáo dục tỉnh nhà trong những năm qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *