Vì ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện

Các mô hình kinh tế của tỉnh được đánh giá là chưa phong phú, con tôm là chủ đạo.

Năm 2018, có 9 mô hình sản xuất ở 3 lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi được triển khai nhân rộng với diện tích hơn 100.000ha. Nhiều mô hình mang lại năng suất cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Qua công tác kiểm tra ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng: Việc xây dựng, triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc phối hợp không chặt chẽ, việc đầu tư còn dàn trải, hiệu quả nhân rộng không cao; và chỉ tiêu mà các huyện đưa ra còn rất thấp so với tiềm năng, dư địa của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Đa phần người dân Cà Mau sống bằng nghề nông. Lĩnh vực nông nghiệp cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nếu chúng ta không phát huy được lợi thế này, không nâng cao được thu nhập cho nông dân, không giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình thì rất có lỗi với dân”.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của chính quyền địa phương rất quan trọng. Cụ thể, phải hướng dẫn người dân thay đổi cách làm ăn cũ, lạc hậu, biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Không để tình trạng người dân với mấy chục công đất mà nghèo được. Làm được điều này chúng ta mới nói đến việc xây dựng nông thôn mới.

Còn đối với việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thì không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà phải phát triển toàn diện ở cả lâm nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững phải phát triển toàn diện ở các lĩnh vực, không thể méo mó ở một phương diện nào đó. Cho nên cần phải có những mô hình sản xuất hiệu quả ở tất cả các lĩnh vực và cần phải đưa ra chỉ tiêu cụ thể để có giải pháp thực hiện sao cho phù hợp đối với từng nơi, từng vùng.

Chủ trương của tỉnh là sẽ không buông lỏng mà sẽ theo sát, kiểm tra sát sao việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp tự ý nuôi tôm không theo quy hoạch, không làm đúng hướng dẫn của ngành chức năng trong sử dụng điện và xử lý môi trường nuôi tôm. Ngành Nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ vấn đề chất lượng con giống, vật tư đầu vào để đảm bảo chất lượng, giá cả cho nông dân. Theo đó, việc sản xuất phải gắn với chuỗi và phải chú ý đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu.

Năm 2019, tỉnh Cà Mau tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất chủ lực: Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn (chuyên canh tôm – rừng và tôm – lúa), canh tác lúa thông minh giảm lượng hạt giống gieo sạ và sản xuất lúa an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *