Vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong nhiều lỗi vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thì vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao.

Trong các năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) được tỉnh đặc biệt quan tâm, xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Công tác tuyên truyền, giáo dục được các ngành, các cấp, các địa phương triển khai thực hiện khá đồng bộ và quyết liệt. Nội dung tuyên truyền là tập trung vào những lỗi vi phạm là nguyên nhân xảy ra TNGT, trong đó vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện được chú trọng và tập trung tuyên truyền nhiều nhất.

Để làm chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông về tác hại của việc uống rượu, bia khi lái xe, Ban ATGT tỉnh đã in hàng ngàn tờ rơi để lực lượng làm nhiệm vụ, khi tuần tra, kiểm soát, phát và tuyên truyền. Người tham gia giao thông được cảnh sát giao thông tuyên truyền trực tiếp vấn đề này, mang lại hiệu quả cao.

Tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia chưa tốt. Dù thời gian qua, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tích cực tham gia; lực lượng chức năng cũng  tăng cường tuần tra, kiểm soát, đã tác động mạnh đến nhận thức và làm chuyển biến ý thức tự giác của phần đông người tham gia giao thông; tuy nhiên, không ít người vẫn cố tình vi phạm, dẫn đến TNGT vẫn còn nhiều.

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 75 vụ TNGT, làm chết 29 người, bị thương 93 người. Thông qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm trật tự ATGT 62.316 trường hợp, trong đó có gần 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Để giảm TNGT nói chung và TNGT liên quan đến bia, rượu nói riêng, mỗi người cần nâng cao ý thức tự tôn pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng rượu bia. Trong tham gia giao thông nên nhớ rằng điều khiển phương tiện một cách an toàn theo đúng quy định của pháp luật là tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và người khác.

Thêm vào đó, công tác tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới về nội dung lẫn hình thức. Lực lượng tuyên truyền viên trong công tác này phải được bồi dưỡng chuyên sâu, tùy vào từng nhóm đối tượng mà có cách tuyên truyền cụ thể. Trong đó trọng tâm vẫn là công tác truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ, hành vi đúng đắn của thanh niên với rượu, bia.

Liên quan vấn đề này, Ban ATGT tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, kế hoạch được thực hiện nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trách nhiệm của xã hội trong các vấn đề liên quan đến bia, rượu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *