Vì sự bình yên trên tuyến biển

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19

Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ ở tuyến biển, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào nội địa.

Cứ “đến hẹn lại vào”, bắt đầu từ ngày 10 (âm lịch) hàng tháng, các tàu hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển lại trở vào đất liền sau một mùa trăng (20 ngày) dài đánh bắt trên biển. Chuyến cập bờ lần này lại khác với những lần vào bờ trước. Nếu trước đây thuyền trưởng khi vào trạm chỉ cần cầm sổ lên cho trạm kiểm tra, xong quay lại ghe và có thể vào cửa ngay, thì lần này tất cả thuyền viên trên tàu phải lên bờ để kiểm tra bằng cách đo thân nhiệt, được hướng dẫn rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai họ tên và địa chỉ cụ thể, kể cả phải nêu rõ số điện thoại. Thượng úy Đỗ Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, cho biết: “Ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Sông Đốc về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như triển khai thực hiện nghiêm về việc hạn chế đi lại của người dân, Trạm tiến hành kiểm tra, kiểm soát tất cả các thuyền viên ra vào làm ăn trên biển, tập trung vào các phương tiện đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển, các phương tiện nghi ngờ mua bán hợp tác làm ăn với nước ngoài để nắm chắc tình hình”.

Những ngày cao điểm, lực lượng biên phòng phối hợp với cán bộ Trạm Y tế tăng cường công tác kiểm soát dịch COVID -19 đối với ngư dân ra vào cửa biển.

Mặt khác, từ khi triển khai, lực lượng đã phối hợp với chính quyền địa phương phân chia làm nhiều nhóm đến từng hộ gia đình có phương tiện đánh bắt xa bờ để tuyên truyền cho chủ phương tiện thông tin đến ngư phủ cũng như thuyền thưởng không được trao đổi, mua bán với phương tiện nước ngoài. Ngoài ra, tuyệt đối không cho “người lạ” quá giang vào đất liền.

Theo thông tin từ các thuyền trưởng, cũng có trường hợp ngư phủ của các ghe đánh ốc, đánh lưới thường đi nhờ tàu vào đất liền vì ghe có khi neo ngoài hòn cả tháng hoặc 2 tháng mới vào một lần. Nếu trước đây là rất bình thường, nhưng thời điểm hiện tại quá nhạy cảm nên việc này không được thực hiện, vì theo Thượng úy Lanh: “Có thể đối tượng đó bị bệnh, hay có vấn đề gì mới đi nhờ vào bờ. Nếu chẳng may đối tượng đó bị nhiễm bệnh thì sẽ lây cho các thành viên trên tàu, rất nguy hiểm”.

Công tác này đã được triển khai từ khi dịch COVID-19 “xâm nhập” vào Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các ngư phủ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều người còn đổ lỗi cho việc “quên” mang theo khẩu trang, dung dịch rửa tay…

Theo ngành chức năng, đây là do thói quen của ngư dân và một phần còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch vì nghĩ rằng khi đánh bắt trên biển thì khả năng lây nhiễm là rất thấp. Tuy nhiên, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thuyền trưởng, thuyền viên về tác hại của dịch bệnh và vận động họ hạn chế đi lại sau khi vào đất liền… Vì theo nhật ký ghi chép của các trạm, hầu hết các thuyền viên ở nhiều nơi khác nhau chứ không phải là người địa phương, nên cứ vào bờ là họ tranh thủ về với gia đình, điều này cũng khó cấm được!

Phối hợp song song hai nhiệm vụ

Ngoài tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng còn chủ động tăng cường công tác tuyên truyền về cấm vi phạm vùng biển nước ngoài, bằng hình thức trực quan, phát tờ rơi cho ngư dân nắm về pháp luật cũng như những quy định về xử phạt hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là công tác thường xuyên và liên tục từ khi Ủy ban Châu Âu có lệnh phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn chủ động trong công tác tuyên truyền cũng như áp dụng hình thức xử lý nghiêm ngặt là không cho ra khơi đối với những phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tại các buổi tuần tra, kiểm soát, cán bộ chiến sĩ biên phòng đều lồng ghép tuyên truyền ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồn Biên phòng Sông Đốc hiện quản lý trên 2.000 phương tiện, trong đó có gần 1.630 phương tiện hoạt động xa bờ, trung bình mỗi phương tiện có từ 7 – 8 thuyền viên, nên với số tàu này thì Sông Đốc gần như “quá tải” về lượng người vào bờ khi hết con nước. Để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, lực lượng chức năng hầu như phải làm việc hết công suất. “Đảm bảo tất cả các thuyền viên đều được kiểm tra y tế, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phối hợp địa phương xử lý. Những ngày này, lực lượng chiến sĩ quân hàm xanh phải làm việc cật lực”, Thượng úy Lanh cho biết.

Theo Đại úy Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết, để triển khai song song hai nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ cũng gặp không ít khó khăn. Không chỉ tuyên truyền tại trạm ra vào, mà còn phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” các hộ có phương tiện đánh bắt xa bờ để tuyên truyền, vận động.

Đồn Biên phòng Sông Đốc quản lý đường bờ biển dài gần 33km, ngoài 2 trạm trực thuộc là Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc và Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc, Ban Chỉ huy đơn vị còn phân tán lực lượng cắm chốt tại các cửa sông lớn: Mỹ Bình (Phong Điền), Kênh Mới (Khánh Hải), Sào Lưới (Khánh Bình Tây), Ba Tĩnh (Khánh Bình Tây Bắc) và 1 chốt lưu động ở bờ Nam Sông Đốc. Mỗi chốt đều có sự phối hợp giữa lực lượng biên phòng – công an – quân sự và y tế để “đón đầu”, ngăn chặn tình trạng các ngư phủ quá giang vỏ máy nhỏ vào bờ thông qua các cửa sông, tránh kiểm soát của lực lượng tuần tra biên phòng. Đại úy Trần Thanh Ngoan cho biết thêm: “Qua công tác nắm tình hình, hiện có 6 phương tiện có khả năng liên quan đến yếu tố nước ngoài, vì có những phương tiện nhiều tháng liền không vào đất liền. Hiện lực lượng đang theo dõi và kiểm tra nghiêm các phương tiện này. Đồng thời, khi tàu cập bến, lực lượng phải làm việc với chủ tàu và các thuyền viên, đề nghị hạn chế đi lại khi không cần thiết. Đơn vị quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng và làm ngừng, làm giảm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian tới”.

Ngoài nhiệm vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biển, lực lượng còn triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân ở tuyến biển về tình hình dịch bệnh cũng như những biện pháp phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong đó, nòng cốt là công tác tuyên truyền để bộ phận người dân bỏ thói quen “đi ngang, về tắt” rất nguy hiểm, có thể lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh: “Thời gian tới lực lượng chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, khắc phục ngay tình trạng không thể kết nối với trạm bờ”.

Cùng lúc triển khai song song hai nhiệm vụ khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dù có nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị biên phòng trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao, vì sự bình yên của tuyến biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *