Vốn vay ODA và vay ưu đãi tại Cà Mau Không sinh lời, cần được cấp phát toàn bộ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thông tin, trong tổng số 23 chương trình, dự án ODA thực hiện giai đoạn 2011 – 2016 trên địa bàn, đã có 17 chương trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trong đó, đáng chú ý là 7 dự án trên lĩnh vực cấp thoát nước, 6 dự án trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp, 6 dự án trên lĩnh vực giao thông… Giai đoạn 2011 – 2016, tổng mức nguồn ODA đầu tư trên địa bàn trên 4,4 ngàn tỷ đồng.

Chưa có tuyến tránh, mọi phương tiện giao thông các ngã đều đi qua trung tâm nội ô thành phố tỉnh lỵ, kể cả xe container phục vụ tại các khu công nghiệp, gây áp lực lớn cho giao thông.

Cà Mau kiến nghị cần có cơ chế cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện đối với một số dự án đặc thù, cần triển khai gấp, để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án theo hiệp định ký kết.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc tranh thủ vốn tài trợ nước ngoài để thực hiện các dự án, công trình xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó BĐKH là cần thiết, cấp bách.

Theo đó, cần có cơ chế cấp phát toàn bộ, không phải vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi như đã qua, bởi đây là những dự án không có khả năng thu hồi vốn, chủ yếu khôi phục môi trường, phòng chống thiên tai.

Trung ương định hướng cho Cà Mau vay ODA cho Chương trình chống sạt lở, ứng phó BĐKH, mà nguồn ODA là tài trợ có mục tiêu, trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng đề phát triển tại các khu kinh tế, công nghiệp là rất cao, nhưng chưa thể thực hiện được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chia sẻ.

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan Trung ương, tuy nhiên đến giờ Cà Mau là một trong 2 tỉnh của cả nước chưa có tuyến tránh qua trung tâm thành phố tỉnh lỵ. Theo đó, mọi phương tiện từ tuyến quốc lộ về các huyện và sang các tỉnh, đến các khu công nghiệp đều phải đi vào trung tâm thành phố, gây áp lực giao thông nội ô là rất lớn”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải kiến nghị Trung ương xem xét bố trí vốn thực hiện, bởi các tuyến này đã được Bộ Giao thông vận tải xác định, đồng thời cho biết, hiện tuyến Quốv lộ 1A trên địa bàn là nhỏ nhất cả nước, giao thông gặp rất nhiều khó khăn, qua nhiều khu dân cư, lại không có hệ thống thoát nước.

Cà Mau kiến nghị bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoan 2016 – 2020, liên quan đến Dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu Dự án TP. Cà Mau; Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô TP. Cà Mau.

Chia sẻ trước những khó khăn của địa phương về ngân sách, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn lực hiện nay là rất lớn, nhất là các dự án ứng phó thiên tai, môi trường… các thành viên đoàn công tác cho biết, trên thực tế, vốn đầu tư ODA tới đây sẽ tập trung vào cho vay thương mại là nhiều, có khả năng thu hồi vốn. Vì vậy Cà Mau sẽ còn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận nguồn vốn.

Những kiến nghị liên quan đến chính sách, pháp luật về đầu tư vốn ODA và nguồn ưu đãi cùng những vấn đề liên quan nguồn đầu tư từ Trung ương được đoàn công tác ghi nhận, xem xét tổng hợp, đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.

Sáng nay (17/7), đoàn giám sát có chuyến khảo sát thực tế các công trình thuộc Tiểu vùng X – Nam Cà Mau (huyện Cái Nước) và Tiểu Dự án nâng cấp đô thị TP. Cà Mau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *