Vùng nông nghiệp công nghệ cao – mô hình kinh tế hiện đại

Nhiều lợi thế

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Ngoài nuôi trồng và khai thác thủy sản, toàn tỉnh có khoảng 85.000ha đất canh tác lúa, trong đó có gần 70.000ha lúa hè thu, thu đông và đông xuân, trên 40.000ha lúa – tôm và hơn 7.000ha lúa mùa địa phương. Tổng sản lượng lúa hàng năm đạt trên 500.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000ha đất trồng rau màu và trên 5.500ha đất trồng chuối. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt chưa cao. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm là rất cấp bách, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo định hướng, Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm – tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có tổng diện tích 332ha, được quy hoạch thành 3 khu vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm chủ lực: Lúa, rau, củ, quả, cây ăn trái (cây có múi, dừa). Tổng kinh phí thực hiện đề án 334,2 tỷ đồng. Ước tính kế hoạch giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đến năm 2020 tăng khoảng 109 tỷ đồng, tăng khoảng 4%; đến năm 2030 ước tăng khoảng 273 tỷ đồng, tăng khoảng 10%.

Vùng nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao là cần thiết và cấp bách. Bởi lẽ thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.

Cùng bàn giải pháp

Tại Hội thảo tham vấn Đề án xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tuần qua, các đại biểu dành nhiều thời gian xở gỡ những khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn lớn, hạ tầng vùng chưa đảm bảo, nguồn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông chưa đáp ứng với nhu cầu sản xuất công nghệ cao… Đây là những cơ sở quan trọng để các đơn vị đóng góp hoàn chỉnh, sớm ban hành, triển khai Đề án trong thời gian tới.

Cũng tại Hội thảo lần này, nhiều đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm – tỉnh Cà Mau theo các mục tiêu và định hướng đã chọn. Trong đó, tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp và hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất, thiết bị vào vùng nông nghiệp; xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, đồng bộ, cơ giới hóa, tự động hóa cao, ứng dụng các phần mềm trong quản lý để áp dụng vào sản xuất; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tập trung xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn hơn cho phát triển ứng dụng công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học công nghệ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau – ông Lê Thanh Triều chia sẻ: “Việc xây dựng đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm là yêu cầu thực tiễn hết sức cần thiết và cấp bách để chuyển từ nền sản xuất truyền thống sang nền sản xuất hiện đại đạt hiệu quả và chất lượng cao. Hội thảo là dịp để nhà quản lý, doanh nghiệp, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa hoàn chỉnh dự thảo Đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt, để triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Theo ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Thực hiện mô hình sản xuất dưa hấu và sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP tại xã Lý Văn Lâm; trồng chuối già Nam Mỹ cấy mô, quy mô 270ha tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – Sản xuất Chế biến gỗ Cà Mau; Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ đang thực hiện 100ha chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và một số cá nhân, hộ gia đình…

Theo định hướng, Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm – tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có tổng diện tích 332ha, được quy hoạch thành 3 khu vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như cây lúa, rau, củ, quả, cây ăn trái (cây có múi, dừa).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Đất đai thấp, trũng, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện… chưa hoàn chỉnh; nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển trong lĩnh vực trồng trọt chưa nhiều, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Nguồn nhân lực trình độ cao chưa có, nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Ông Phạm Văn Mịch cho biết thêm: Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phục vụ đắc lực nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Chính những tính năng ưu việt đó, nhiều giải pháp ngành về quy hoạch đã được vạch ra: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống giao thông; thủy lợi; hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin. Vốn của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Đối với bài toán khó về nguồn nhân lực, sẽ tuyển chọn sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ có năng lực để đào tạo dài hạn trong và ngoài nước; đào tạo lực lượng trực tiếp sản xuất đại trà. Làm tốt công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành thêm các chính sách ưu đãi hơn để thu hút nguồn nhân lực và đầu tư, nhất là chính sách đất đai và thuế phù hợp với điều kiện cụ thể từng thời kỳ. Thực hiện chính sách thu hút trí thức, nhân tài; chính sách đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực, hỗ trợ thủ tục về đầu tư.

Ông Lê Thanh Triều nhấn mạnh: “Việc định hướng phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao là cần thiết và cấp bách. Bởi lẽ thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, Cà Mau cũng khá ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Khi triển khai, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đảm bảo tính đồng bộ liên hoàn, việc phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả và bền vững hơn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *