“Vượt” dịch tả heo châu Phi, tạo đà phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo

Khan hiếm nguồn heo giống

Thời gian qua, bệnh DTHCP đã xảy ra ở 85 xã (2.507 hộ dân), làm thiệt hại gần 11.600 con, tổng trọng lượng hơn 746 tấn, tương đương 12% tổng đàn heo của tỉnh. Theo đó, nguồn heo giống cũng khan hiếm, giá heo giống ngày càng tăng, người chăn nuôi không đủ vốn đầu tư, khó duy trì được sản xuất và tái đàn sau dịch. Rất nhiều hộ phải bỏ chuồng hoặc chuyển đổi mô hình chăn nuôi các vật nuôi khác để ổn định đời sống.

Giá heo giống hiện nay trên thị trường dao động từ 2,5 – 3 triệu đồng/con, cao nhất từ trước đến nay, vả lại còn khan hiếm. Việc giá cả heo giống tăng vọt khiến người chăn nuôi lo ngại vì không có vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tâm lý của người chăn nuôi cũng rất sợ bị “thiệt hại kép” nếu bệnh DTHCP quay trở lại. Vì thế, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh chưa mặn mà với việc tái đàn.

Bà Mai Thị Màu (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Tôi nuôi heo cũng đã mấy chục năm nay, chưa bao giờ bỏ trống chuồng lâu như vậy. Đợt DTHCP vừa rồi, nhà tôi đang nuôi 4 con, may mắn không nhiễm bệnh, nhưng vì lo sợ dịch bệnh nên gia đình cũng bán nhanh, không dám chừa lại nuôi giống như trước đây. Mấy tháng nay muốn mua heo nuôi lại mà giá cao quá, với lại không biết dịch đã thiệt hết chưa, nên còn ngần ngại”.

Từ tháng 5 đến tháng 7/2019 là giai đoạn cao điểm của DTHCP, các cơ sở chăn nuôi heo giống hạn chế cho phối giống nên làm ảnh hưởng đến nguồn cung con giống những tháng đầu năm nay. Từ cuối tháng 8/2019, khi dịch giảm bớt, các cơ sở chăn nuôi lớn bắt đầu cho phối giống và tăng đàn heo thịt trở lại, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ đến đầu năm 2020 mới cho tái đàn. Vì vậy, dự kiến đến quý 3 hoặc quý 4 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu heo giống, heo thương phẩm cho người chăn nuôi tái đàn.  

Tuy nhiên, thời gian qua, trong toàn quốc, DTHCP có hiện tượng tái phát, đã xuất hiện lại tại 180 xã, thuộc 60 huyện của 17 tỉnh. Thêm nữa, bệnh DTHCP đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh hay thuốc đặc trị, virút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây lan phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, nguy cơ DTHCP tái phát rất cao, nhất là trong thời gian tái đàn.

Cà Mau hướng đến chăn nuôi heo tập trung gắn với hệ thống giết mổ, chế biến tập trung, đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh.

Hỗ trợ tái đàn, khôi phục và phát triển sản xuất

Trước thách thức nói trên, ngành Nông nghiệp tổ chức lại chăn nuôi, tái đàn bảo đảm an toàn sinh học, để tăng cường sự chủ động trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, từng bước chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

Các trang trại và nông hộ nuôi tái đàn phải được cơ quan thú y, chính quyền địa phương kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, nếu không đảm bảo yêu cầu thì không được phép nuôi tái đàn. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi tại UBND xã và thông báo với địa phương trước khi nuôi tái đàn.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Trường hợp không kê khai sẽ không được hỗ trợ thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. Nông hộ khi tham gia chăn nuôi phải đảm bảo chuồng trại tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi; có biện pháp phù hợp trong phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi theo quy định…”.

Ông Huy cũng thông tin, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tái đàn, khôi phục và phát triển sản xuất. Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu, để xây dựng mô hình trình diễn ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, hải đảo, địa bàn bị ảnh hưởng thiên tai, dịch hại, biến đổi khí hậu; hỗ trợ 70% đối với địa bàn xã bãi ngang; 50% đối với các địa bàn còn lại, tối đa không quá 300 triệu đồng/ mô hình…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các ngành hàng, sản xuất quan trọng cần khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có ngành hàng, sản phẩm về chăn nuôi heo, để có căn cứ lập dự toán cấp kinh phí xây dựng các mô hình trình diễn về liên kết sản xuất chăn nuôi heo và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đối với doanh nghiệp, sẽ có hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, thiết bị, giao thông, điện nước và xử lý chất thải. Mức hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và không quá 2 tỷ đồng đối với dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, 40% tổng mức đầu tư và không quá 1,5 tỷ đồng đối với dự án ưu đãi đầu tư; về điều kiện hỗ trợ, dự án đầu tư phải có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 2.000 con heo thịt trở lên, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cấp 46 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động trên địa bàn; những doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ heo công suất tối thiểu 100 con/ngày đêm, sẽ được hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư đối với dự án có giá trị không quá 3 tỷ đồng và mức hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư đối với dự án có giá trị không quá 2 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh sẽ không thực hiện chăn nuôi trong khu vực nội thành TP. Cà Mau, thị trấn các huyện và các khu dân cư trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến địa điểm mới, phù hợp với quy hoạch. Phương án phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung có quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện cụ thể, được tích hợp vào Quy hoạch phát triển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 – 2030.

Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng định hướng chăn nuôi tập trung, để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung gắn với hệ thống giết mổ chế biến tập trung tại các vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh và một số xã có điều kiện của huyện Đầm Dơi (Tân Thuận, Tân Đức, Tân Duyệt, Nguyễn Huân). Song song đó, di dời, xây dựng trại heo giống của Trung tâm Giống nông nghiệp tại địa điểm mới thuộc xã Khánh An (huyện U Minh), để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng con giống, phục vụ nhu cầu cho người chăn nuôi trong tỉnh.

“Kế hoạch tái đàn heo để khôi phục và phát triển sản xuất sau DTHCP trên địa bàn tỉnh, vẫn đang chờ thêm một số văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, sẽ thực hiện công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi và doanh nghiệp”, ông Huy cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *