Vượt qua “biến cố”, lấy lại đà tăng trưởng mạnh

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh 2010) 6 tháng qua ước tăng 1,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,38%). Trong đó, khu vực ngư- nông – lâm nghiệp tăng 1,75% (cùng kỳ tăng 3,45%); khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 8,6%); khu vực dịch vụ tăng 0,77% (cùng kỳ tăng 6,52%); thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm tăng 5,16% (cùng kỳ tăng 6,66%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.140 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Đi vào cụ thể ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là thủy sản, tác động kép của dịch bệnh và thiên tai đã đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống của người nuôi tôm. Ảnh hưởng dịch bệnh, không xuất khẩu được, lượng hàng tồn kho khá lớn đã kéo theo giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Cùng với đó, nắng nóng kéo dài đã làm độ mặn tăng cao, hàng ngàn hecta nuôi tôm bị thiệt hại. Xuất khẩu thủy sản đến nay ước đạt 350,62 triệu USD, đạt 30,5% kế hoạch, giảm 14,9% so với cùng kỳ.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã hồi phục sau đại dịch COVID-19, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhằm bù đắp những thiệt hại, ảnh hưởng do “tác động kép” ở những tháng đầu năm.

Chủ động, kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất

Với đặc điểm là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu (kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 50% GRDP của tỉnh, xuất khẩu vào thị trường của trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ), các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu (mặt hàng thủy sản, phân đạm) hoặc tiêu thụ trong nước (điện sản xuất, phân đạm, sản phẩm LPG + Condensate) nên khi thế giới và cả nước bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì tỉnh Cà Mau cũng chịu tác động rất lớn đến các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Do đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 của tỉnh trong 6 tháng đầu năm cũng bị ảnh hưởng, kéo theo tốc độ tăng trưởng ước chỉ tăng 1,58%.

Chủ động, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các thông tư, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Con số thống kê đến ngày 4/6, các ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.237 doanh nghiệp, người dân với tổng số dư nợ 1.045,6 tỷ đồng. Cụ thể, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 121,8 tỷ đồng cho 1.401 khách hàng; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 336,7 tỷ đồng cho 23 khách hàng; lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 83,1 tỷ đồng cho 21 khách hàng; lĩnh vực xây dựng, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 265,9 tỷ đồng cho 54 khách hàng…

Đại dịch còn tác động mạnh đến ngành Du lịch, khi lượng khách giảm 26,6% so với cùng kỳ, bằng 33,5% kế hoạch, doanh thu giảm 35,1% so cùng kỳ; xuất khẩu lao động giảm 36,8% so với cùng kỳ.

Cắt giảm 70% kinh phí hội nghị

Cùng thời điểm dịch bệnh hoành hành thì tác động của thiên tai hạn hán diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân: Làm thiệt hại 20.495ha lúa, 51ha rau màu, 16.557ha nuôi trồng thủy sản; 20.851 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; các tuyến sông, rạch bị cạn kiệt nước, không những gây tê liệt hoàn toàn giao thông thủy, mà còn kéo theo tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven sông, làm hư hại các tuyến đường giao thông…

Nhờ chủ động, kiên quyết trong công tác phòng, chống mà đến nay chúng ta đã cơ bản khống chế đại dịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau cùng với cả nước đã đi vào hoạt động trở lại với khí thế phấn khởi, niềm tin vào sự tăng trưởng, phát triển vào những tháng còn lại của năm. Cùng với đó, mùa mưa đã bắt đầu, đời sống và sản xuất của người dân thuận lợi, việc khắc phục sự cố đã và đang được thực hiện với quyết tâm rất cao.

Những tháng còn lại của năm 2020, Cà Mau tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an sinh xã hội, trật tự xã hội do ảnh hưởng dịch COVID-19. Để đảm bảo cân đối ngân sách trong điều kiện hụt thu, tỉnh quyết định thực hiện cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên những tháng còn lại của năm. Các dự án sử dụng vốn năm 2018, 2019 chuyển sang năm 2020 phải giải ngân hết trong tháng 8; đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, đến trước ngày 30/9 phải đảm bảo các dự án đạt tỷ lệ giải ngân từ 60% trở lên.

Cà Mau vốn đã quá khó khăn do thiên tai diễn ra quanh năm, quy mô nền kinh tế còn nhỏ và dễ tổn thương trước những diễn biến của thị trường thế giới. Trong muôn vàn trở ngại, vượt qua những “biến cố” lớn, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, nền kinh tế tỉnh đang dần phục hồi, quyết lấy lại đà tăng trưởng, bù đắp, đưa đời sống người dân ổn định bình thường, phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *