WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về dịch virus Corona

Việc ban bố PHEIC nhằm huy động thêm các nguồn lực quốc tế để ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV gây ra.

WHO tổ chức họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp. (Ảnh: Tân Hoa xã)

WHO đã hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến 2019-nCoV. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.

Một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp tới Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ WHO này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình và cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.

WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát tốt nhất trên toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương.

Từ khi Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) có hiệu lực vào năm 2007, WHO đã nhiều lần ban bố PHEIC. Lần đầu tiên WHO ban bố PHEIC là vào tháng 4/2009, khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1). Lần thứ hai được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt. Lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phát dịch virus Zika ở châu Mỹ.

Chủng virus Corona mới, có tên gọi khoa học là 2019-nCoV, lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắc-xin, thuốc điều trị đặc hiệu.

Khẩu trang y tế có công dụng phòng bệnh truyền nhiễm; tuy nhiên, người sử dụng cần đảm bảo hai nguyên tắc: thứ nhất là khẩu trang đạt chuẩn, thứ hai là phải đeo khẩu trang đúng cách. (Ảnh minh họa: LÊ TUẤN).

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 31/1, tổng số trường hợp mắc: 9.807, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 8.124. Tổng số trường hợp tử vong là 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 171. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc là 115. Có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc: Thái Lan, Australia, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam, Campuchia, Canada, Đức, Nepal, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Phần Lan, Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines.

Trong đó, Việt Nam xác nhận đã có 5 trường hợp nhiễm bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *