Xây dựng nông thôn mới trong hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh

Nguy cơ hộ nghèo, người lao động mất việc làm, thất thu trong mùa dịch, hạn hán này rất cao.

Tại các xã NTM trên địa bàn tỉnh, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp sản xuất, công trình lộ giao thông nông thôn và nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con, nhất là các xã vùng ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời, một số xã thuộc huyện U Minh, Thới Bình, TP. Cà Mau.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, tình hình hạn hán gây nên tình trạng sụt lún đất, ảnh hưởng các tuyến đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn trên địa bàn, ước thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Theo đó, có 9 xã, thị trấn trên địa bàn xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đất: Xã Khánh Hưng (gần 2.500m); các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Hải, Trần Hợi, Khánh Bình đều có chiều dài sạt lở, sụt lún trên 1.000m. Tổng diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn huyện bị thiệt hại là 578,85ha (trong đó từ 30 – 70% là 408,3ha và thiệt hại trên 70% là 170ha)… Từ đó, đã gây nên nhiều khó khăn cho bà con, nhất là việc đi lại, lưu thông hàng hóa, tốn kém chi phí sinh hoạt; trong khi đó thất thu từ nguồn lúa, tôm, hoa màu; ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của bà con, ảnh hưởng mức thu nhập bình quân chung đầu người.

Các con kênh trên địa bàn huyện Trần Văn Thời khô cạn và dần trơ đáy trong thời điểm này.

Anh Trần Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Trên địa bàn xã có 3.300ha tôm – lúa, với trên 2.600 hộ nuôi. Đợt hạn hán vừa qua, rất may bà con đã kịp thời thu hoạch vụ đông xuân; với vụ tôm, từ khoảng tháng 11 đến tháng 2 (âm lịch) thì thiệt hại 80 – 90%. Riêng hoa màu tập trung ở Ấp 13, trên tuyến có hệ thống nước nối mạng nên cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Gần 300 hộ thuộc Ấp 14  đến Ấp 17 đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt”.

Thông tin từ các địa phương, ngoài ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch COVID-19 cũng đã gây không ít khó khăn. Cơ hội việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là việc một số công ty cho công nhân tạm nghỉ việc chống dịch COVID-19. Nếu tình trạng này kéo dài, lượng lao động từ các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh trở về địa phương khá đông, thu nhập bấp bênh, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo có nguy cơ tăng trở lại, kéo theo diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội… Vì thế, nhiệm vụ năm 2020 được giao cho các địa phương rất nặng nề, là tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhằm hoàn thành nhiệm vụ, nhất là các xã đang cố gắng hoàn thiện các tiêu chí xã NTM trong năm 2020.

Các luống hoa màu của bà con cằn cỗi giữa mùa hạn.

Theo Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Cà Mau, năm 2019, qua kết quả thẩm định và ý kiến của các sở, ban, ngành, chọn chỉ đạo đạt chuẩn NTM đối với 5 xã, gồm: Hòa Thành        (TP. Cà Mau), Tân Phú (huyện Thới Bình), Trần Thới (huyện Cái Nước), Lợi An (huyện Trần Văn Thời) và Phú Thuận (huyện Phú Tân). Tuy nhiên, có 2/5 xã là Trần Thới và Tân Phú vẫn chưa đạt 14 tiêu chí theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy định đưa vào kế hoạch đối với xã đạt chuẩn từ 14 tiêu chí trở lên tính đến thời điểm đăng ký và có đủ điều kiện phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm đánh giá. Đồng thời đang tiếp tục xem xét và chọn chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM năm 2020, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu 50% (tương đương hơn 40 xã) đạt chuẩn xã NTM trong năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên trong điều kiện khó khăn như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, vừa “cầm lái” giữ vững con thuyền trên mặt trận phát triển kinh tế – xã hội, vừa quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt trong công tác chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *