“Xin…” và biểu hiện của nền hành chính phục vụ

Từ “xin” và những hạn chế trong trách nhiệm, năng lực

Thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) là công việc khá quen thuộc đối với nhiều người dân. Việc được giải quyết một cách nhanh, gọn, không nhiêu khê những thủ tục phát sinh là quyền chính đáng của mỗi người trong nền hành chính phục vụ như hiện nay. Tuy nhiên, ít ai biết đến quyền này, đa phần người dân đến thực hiện thủ tục tại các cơ quan công quyền đều mang nặng tâm lý nhờ vả và câu “Tôi đến đây để xin…” cũng không quá xa lạ. Nó gần như là câu cửa miệng cần có khi tiếp xúc với cán bộ công chức. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại thế? Phải chăng là trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không đủ trang bị cho mình những cơ sở lý luận, pháp lý để thực hiện quyền làm chủ khi bị hạch sách, nhũng nhiễu. Hay là tâm trạng được việc thì thôi, để còn nhiều thời gian lo cho miếng cơm, manh áo hằng ngày, họ lo sợ nếu kháng cự sẽ không được việc. Chính sự lo sợ ấy đã dần đánh mất quyền làm chủ của người dân trong nền hành chính phục vụ. Một nền hành chính mà cán bộ, công chức lại chính là công bộc của dân.

Thái độ phục vụ của công chức vẫn là tâm điểm được quan tâm tại nhiều diễn đàn công khai được tổ chức.

Mặc dù đã qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC), nhằm hướng đến một nền hành chính trong đó tính phục vụ là chính yếu. Thế nhưng, bên cạnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực thì còn khá nhiều yếu kém cần khắc phục. Yếu kém quan trọng nhất là thái độ, tinh thần phục vụ người dân.

Tại các diễn đàn công khai được tổ chức trên địa bàn, mà điểm nhấn là đối thoại trực tiếp với công dân và doanh nghiệp về TTHC, thái độ phục vụ lại là tâm điểm được quan tâm hàng đầu. Hầu hết cuộc đối thoại được tổ chức đều có ý kiến phản ánh về thái độ và tinh thần phục vụ.

Thái độ, tinh thần phục vụ ở đây không đơn thuần là cử chỉ và nét mặt mà còn là trách nhiệm và năng lực cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thông qua hoạt động kiểm tra CCHC năm 2017 cho thấy năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức đã được nâng lên đáng kể. Song trên thực tế, so với nhu cầu đặt ra thì vẫn chưa là tín hiệu mừng. Bởi hầu hết các địa phương được kiểm tra đều mắc chung sai sót là hồ sơ trễ hẹn, thực hiện không đúng trình tự thủ tục. Việc trễ hẹn là một biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm đối với dân.

Việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hồ sơ xử lý, trả kết quả trễ hạn chưa được các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện; còn mang nặng về hình thức. Một số đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, thực hiện xử lý hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử, từ đó dẫn đến hồ sơ trễ hạn trên hệ thống tương đối nhiều…

Xóa “xin” là hướng đến nền hành chính phục vụ

Nền hành chính phục vụ, là nền hành chính mà trong đó nhà nước phải điều chỉnh cách quản lý theo xu thế chung của sự phát triển và phải đảm bảo sự thích ứng với quá trình dân chủ hóa, xã hội hóa, tư hữu hóa. Chấp nhận sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân vào công việc quản lý của nhà nước, can thiệp ngày càng sâu vào các quá trình kinh tế – xã hội và cải tiến mô hình nền hành chính công, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu rõ ràng là giải quyết và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong quá trình thực hiện các quyền công dân. Còn cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có nghĩa vụ phục vụ cho những khách hàng “là công dân” để đáp ứng những yêu cầu đó.

Nền hành chính phục vụ là nền hành chính không chấp nhận sự tồn tại của cơ chế xin – cho.

Liên quan vấn đề này, ThS. Phạm Quốc Sử, Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp, cho rằng: Quan hệ giữa nền hành chính và người dân là quan hệ tương hỗ, mà trong đó cán bộ, công chức là những “công bộc của nhân dân” có trách nhiệm quản lý công việc của nhà nước, giữ gìn, bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên cơ sở những quy định của pháp luật.

Phải xóa bỏ tâm lý “xin phép” và hành động theo mệnh lệnh đã dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến công việc bị ách tắc. Điều đáng quan tâm hơn là sự cố tình nhầm lẫn giữa quyền lực và trách nhiệm công vụ, cùng với cơ chế xin – cho đã tạo ra một môi trường không lành mạnh, “hành dân”. Biểu hiện rõ nhất là “văn hóa phong bì”, tệ nạn “bôi trơn” trong việc giải quyết TTHC. Hệ lụy là nảy sinh đủ loại “cò”, đủ loại “trợ lý” ăn rơi, ăn vãi trong xã hội. Phí “bôi trơn” quá lớn dẫn tới chi phí đầu tư tăng cao của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ “tiềm lực” để đeo đuổi, mất cơ hội kinh doanh, đầu tư do chi phí không chính thức tăng cao, không kiểm soát được. Sự “méo mó” của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ thực thi công vụ làm suy yếu hệ thống quản lý nhà nước, làm mất sức cạnh tranh trong thời buổi khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường.

Vấn đề cốt lõi của cải cách là phải nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Phải xây dựng đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao, có đủ trình độ, có kỹ năng để triển khai những quyết định hành chính và ý thức chuyên nghiệp trong thực thi công vụ là vấn đề then chốt…

“Một nhu cầu đang đặt ra mà đội ngũ các bộ, công chức phải đáp ứng trong vận hành nền hành chính phục vụ, đó là: Phải được đào tạo “nghề hành chính”. Trong thực tiễn sử dụng cán bộ cho thấy, không phải ít cán bộ, công chức không nhận thức đầy đủ tính chất của các loại giấy tờ hành chính, quyết định hành chính, thẩm quyền hành chính, TTHC và xây dựng, ban hành TTHC… Vì vậy, công tác đào tạo, tái đào tạo kỹ năng hành chính đối với đội ngũ cán bộ trong điều kiện hiện nay là vấn đề cần thiết, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong điều kiện mới của nền hành chính công là phục vụ dưới hình thức công vụ đối với dân”, ông Sử cho biết thêm.

Hướng tới thực hiện nền hành chính phục vụ để đáp ứng nguyện vọng cơ bản phục vụ lợi ích của đại đa số nhân dân, hướng đến những mục tiêu nhân đạo, nhân văn có lợi cho sự phát triển của xã hội và là điều kiện thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới. Để thực hiện được việc này, đòi hỏi tư duy của cán bộ, công chức cần phải được đổi mới, hơn hết là những giải pháp hữu hiệu, cụ thể, để tạo dựng lòng tin của người dân. Quan trọng vẫn là xóa dần tâm lý xin – cho, nhờ vả khi thực hiện TTHC trong dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *