Xuất khẩu lao động bài toán khó

Năm 2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, triển khai thực hiện tuyển chọn 30 lao động trên địa bàn có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm các thị trường: Đài Loan (13 lao động), Nhật Bản (5 lao động), Hàn Quốc (4 lao động), Malaysia (4 lao động), Ả Rập Xê út (3 lao động) và Hà Lan (1 lao động), theo hai hình thức: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp (28 lao động) và hợp đồng cá nhân (2 lao động). Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so với kế hoạch đề ra.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chỉ có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện cùng với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký, tuyển chọn lao động Cà Mau tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

NHIỀU CÁI KHÓ

Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chỉ có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện cùng với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký, tuyển chọn lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường truyền thống, chưa được mở rộng. Chất lượng lao động xuất khẩu của tỉnh thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường về tay nghề, ý thức, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ…, nhất là các thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Thực tế đó đã tác động mạnh đến tư tưởng của những lao động khác.

Tình trạng lao động Cà Mau không về nước đúng thời hạn, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp tại một số nước, hoặc xuất cảnh du lịch, thăm thân nhân, hoạt động thương mại… ở lại lưu trú và làm việc bất hợp pháp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ và mở rộng các thị trường lao động. Mặt khác, người lao động khi trở về nước chưa có việc làm phù hợp, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc tư vấn, hỗ trợ việc làm hoặc khuyến khích tạo việc làm phù hợp với tay nghề, kỹ thuật, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, về các đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức… và hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng – thực tế số lao động này tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất ít, không đảm bảo số lượng thực hiện hỗ trợ theo phương thức hợp đồng đặt hàng. Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ, vai trò của đoàn thể chưa phát huy đúng mức.

CÙNG BÀN GIẢI PHÁP

Để giải bài toán xuất khẩu lao động hợp pháp lẫn trái phép, cũng như tìm cơ hội tăng thu nhập cho người dân bằng những giải pháp căn cơ sẽ được thực thi trong năm 2016, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Tỉnh cần mở rộng đối tượng hỗ trợ đặc thù cho lao động Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc phân bổ vốn, đối tượng cho vay… Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận các địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Tổ chức hội thảo, gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài với những người đã đi làm việc ở nước ngoài trở về. Thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm tra, giám sát tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp; khi thực hiện tư vấn phải tư vấn “2 chiều” (cả thuận lợi và khó khăn), đặc biệt là mức lương và công việc cụ thể, điều kiện làm việc của người lao động ở nước ngoài… Từng bước mở rộng thị trường, tập trung vào những thị trường có kỹ thuật, chuyên môn. Đổi mới công tác đào tạo, giáo dục lao động trước khi đi, coi đây là một vấn đề ưu tiên hàng đầu trong phát triển thị trường lao động, đảm bảo trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, kỷ luật lao động và tác phong làm việc cho người lao động nhằm tuyển chọn lao động đã qua đào tạo nghề và có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đạt chất lượng. Tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hình thức, phong phú về nội dung bao gồm: Thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, quy trình xuất khẩu lao động dễ hiểu với các hình thức phù hợp đến tận ấp, khóm, tới người dân.

Thiết nghĩ, việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình trường lớp dạy nghề là việc làm cần thiết trong lúc này. Bên cạnh đó, cần tạo tính cạnh tranh cho các trường dạy nghề, thúc đẩy các trường đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và điều kiện thực hành cho học viên. Khuyến khích các trường dạy nghề hợp tác với các doanh nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp; đào tạo theo định hướng nhu cầu về lao động của xã hội, đào tạo gắn với sử dụng. Kết hợp giữa các trường dạy nghề và doanh nghiệp còn là cách tiết kiệm kinh phí đào tạo, bởi doanh nghiệp không phải mất một khoản kinh phí và thời gian để đào tạo lại lao động cho phù hợp với quy trình công nghệ của sản xuất. Lao động tham gia học nghề cũng yên tâm về “đầu ra” sau quá trình đào tạo. Đây cũng chính là động lực để lao động tích cực học nghề; hướng đến tương lai sau khi tham gia xuất khẩu lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *