Xuất khẩu lao động – hướng mở lập nghiệp

Các công ty quan tâm đào tạo cho người lao động về ngoại ngữ, đảm bảo khi xuất khẩu lao động sẽ giao tiếp thành thạo được tiếng của nước bạn.

Tốt nghiệp đại học, ai cũng mong muốn tìm được việc làm ổn định, nhưng không phải ai cũng thực hiện được trong thực trạng “thừa lao động, thiếu việc làm” ở khắp nơi như hiện nay. Tình cảnh của sinh viên Trần Huỳnh Thới (xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình) là như vậy, gần 1 năm sau tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam – Trường Đại học Cửu Long, Thới vẫn loay hoay để thoát khỏi hai chữ “thất nghiệp”. Một tia sáng mở ra khi Huỳnh Thới biết đến Đề án XKLĐ và mạnh dạn đăng ký. Đến nay, Thới đã theo học tiếng Nhật được 3 tháng tại Công ty Cổ phần Nhân lực Hoàng Hà – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, vượt qua kỳ thi tuyển và hiện đang tiếp tục trau dồi thêm vốn tiếng Nhật, chờ ngày sang Nhật làm việc.

Biết thông tin về đề án XKLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Nguyễn Hữu Trang (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) nhanh chóng bị thu hút. Tốt nghiệp đại học năm 2009 chuyên ngành Xây dựng, hơn 10 năm nay, anh Hữu Trang đã thay đổi nhiều công ty do công việc và mức thu nhập không ổn định. Tham gia XKLĐ, anh đăng ký làm việc chuyên về lĩnh vực nội thất. Gia đình của anh Hữu Trang cho biết, hiện anh đã sang Nhật hơn 2 tháng nay để làm việc và mức lương nhận được hàng tháng từ 30 – 38 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ tăng ca.

Có được bằng cấp, vốn kiến thức là một trong những điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ có thể làm việc trên “đất khách”, với nguồn thu nhập không chỉ nuôi sống bản thân mà còn chăm lo được cho gia đình. XKLĐ rõ ràng là một hướng mở cho những cử nhân đang thiếu việc làm ở Cà Mau hiện nay.

Hơn thế, XKLĐ còn là hướng mở cho nhiều đối tượng, là cơ hội cho những người dám nhận thử thách. Như trường hợp của em Nguyễn Quốc Hòa (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), mới xuất ngũ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hay tin có đề án XKLĐ, Hòa đăng ký ngay. Hiện Hòa đã hoàn thành khóa học và dự kiến sẽ được XKLĐ trong tháng 10 này.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực Hoàng Hà – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Vũ Thanh Hải cho biết: “Công ty đã thẩm định tất cả các đơn hàng và ưu tiên lựa chọn cho học viên Cà Mau những đơn hàng phù hợp, đảm bảo sao cho các em có môi trường làm việc tốt nhất. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã đào tạo khoảng 30 học viên Cà Mau, trong đó có 20 em đã sang Nhật làm việc và đều nhận được những phản hồi rất tích cực. Công ty cũng đồng hành với các em suốt 3 năm làm việc tại Nhật và tạo điều kiện định hướng cho các em trong việc lựa chọn công việc khi về nước, hoặc một số em có đủ điều kiện có thể tiếp tục quay lại Nhật làm việc theo hình thức khác”.

Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 134 lao động xuất cảnh và còn 478 người đang học ngoại ngữ, số lao động xuất cảnh đã tăng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tỉnh đã hỗ trợ cho 56 lao động được vay vốn XKLĐ, với số vốn giải ngân trên 5,4 tỷ đồng. Điều đáng phấn khởi là sau khi xuất cảnh, bắt tay vào công việc, các lao động đã gửi tiền về đóng lãi và gửi tiết kiệm đúng định kỳ. Theo thông tin từ một số địa phương, các lao động còn gửi tiền về hỗ trợ cho gia đình. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần khẳng định sự đúng đắn và tín ưu việt của Đề án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *