Xung phong làm gương

Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Mai Tấn Phới tâm đắc và khắc ghi lời dạy của Bác: “Thanh niên phải xung phong làm gương trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng”, từ đó với vai trò Bí thư Chi đoàn ấp, anh luôn gương mẫu và định hướng tập thể có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, ý tưởng được ứng dụng hiệu quả, thiết thực đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, trong thực hiện các công trình, phần việc thanh niên cũng như trong công tác, học tập, lao động sản xuất.

Mai Tấn Phới vinh dự là một trong 87 cán bộ Đoàn nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018, vào dịp 26/3 vừa qua.
(Ảnh do nhân vật cung cấp).

Hết mình cho công tác Đoàn

Cho đến bây giờ, Tấn Phới cũng không nghĩ mình sẽ trở thành cán bộ Đoàn của ấp như hiện nay. Bởi lẽ, Phới từng tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Cần Thơ), hơn 3 năm công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Cà Mau, nhưng vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, nên Tấn Phới đành chấp nhận nghỉ công tác (khi ấy Tấn Phới đã là đảng viên chính thức), về quê giúp sức cùng gia đình làm kinh tế.

Chuyển sinh hoạt Đảng về Chi bộ ấp, khi ấy, ấp chưa thành lập chi đoàn. Chi bộ phân công Tấn Phới tham gia công tác Đoàn với vai trò đầu tàu vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia sinh hoạt Đoàn. Tấn Phới chia sẻ: “Ban đầu, việc vận động thanh niên tham gia công tác Đoàn gặp nhiều khó khăn, ai cũng nêu lý do bận việc gia đình và nghĩ rằng tham gia cũng không được quyền lợi gì. Thế nhưng, ban đầu củng cố, xây dựng lực lượng được chỉ với 4 – 5 thanh niên, Chi đoàn đã triển khai thực hiện một số mô hình kinh tế, hỗ trợ vốn xoay vòng; giới thiệu việc làm… để thanh niên có thêm nguồn thu nhập. Khi thấy lợi ích thiết thực khi tham gia sinh hoạt Đoàn thì các thanh niên khác mới tham gia, đến nay là 10 ĐVTN”.

Dù ở vùng đất mặn, song vườn nhà Tấn Phới luôn xum xuê cây trái.

Từ đây, đã có nhiều mô hình, cách làm hay của đơn vị được nhân rộng và triển khai thực hiện hiệu quả: Vận động nhân dân phát quang bụi rậm, sửa lộ; vận động mỗi hộ dân đào hố chôn lấp rác; trồng hàng rào cây xanh trên toàn bộ tuyến lộ đi qua trụ sở văn hóa; trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt… tạo cảnh quan môi trường sinh thái, vườn cây ao cá đạt tiêu chuẩn theo Chỉ thị 01 của Huyện ủy, đồng thời chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới… Qua đó đã tạo được môi trường giáo dục, sân chơi lành mạnh, bổ ích cho ĐVTN, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của từng đoàn viên, hội viên, đội viên tạo động lực, niềm tin cho thanh niên trong học tập và rèn luyện.

Làm kinh tế giỏi

Không chỉ nhiệt tình trong công tác Đoàn, bản thân Tấn Phới còn là cán bộ Đoàn làm kinh tế giỏi, sáng tạo trong cách làm. Anh nhận thức rằng, thế mạnh của Cà Mau thiên về ngành thủy sản, nên anh đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thủy sản, cụ thể là thành lập cơ sở “Tôm khô đặc sản Cà Mau” với mong muốn làm nên thương hiệu và phát triển thị trường. Tấn Phới cho biết: Hiện nay, cách làm tôm khô của các hộ nông dân còn theo cách truyền thống, buôn bán nhỏ lẻ giá không được cao, ít ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cũng như công tác thông tin truyền thông để quảng cáo sản phẩm còn hạn chế nên chất lượng và sản phẩm chưa vươn xa. Từ đó, tôi quyết định đầu tư và thành lập trang riêng trên mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các cơ sở tôm khô khác về vận dụng cho cơ sở để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, doanh thu của cơ sở dần dần tăng lên khá cao, đạt lợi nhuận 35 triệu đồng/tháng vào dịp cao điểm.

Vận dụng những kỹ năng, kiến thức vốn có, Tấn Phới đang ấp ủ ước mơ đưa sản phẩm tôm khô chất lượng, uy tín vươn xa cả thị trường trong và ngoài nước.

Hưởng ứng phong trào tuổi trẻ Cà Mau học tập Bác, đặc biệt với vai trò đầu tàu, Tấn Phới quan niệm: “Phải xung phong làm gương trong mọi hoạt động, khi có hiệu quả sẽ tiếp tục chia sẻ cho anh em cùng thực hiện”. Thấy diện tích đất trống sau vườn khá nhiều, Phới nảy sinh ý định ươm hạt các loại mai có giá trị; học tập, nghiên cứu trên mạng kỹ thuật uốn, ghép cây cảnh. Sau vài năm mô hình “trồng cây cảnh tạo dáng nghệ thuật” của Tấn Phới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được Tỉnh Đoàn chọn tham gia phát biểu tham luận tại diễn đàn “Thanh niên Cà Mau kiến tạo khởi nghiệp năm 2017 ”, với thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Tấn Phới còn đầu tư vào mảnh vườn của gia đình, làm kinh tế theo mô hình “VAC”, trồng cây ăn trái, hoa màu, kết hợp nuôi cá nước ngọt đạt kết quả khá cao, thu nhập hàng năm trên 30 triệu đồng, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo vẻ mỹ quan khu sinh sống.

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tấn Phới vận động đoàn viên trong Chi đoàn tích cực làm mô hình kinh tế, hiện tại Chi đoàn có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả: Nuôi cua của Trương Hoàng Triểu, kinh doanh thức ăn nhanh của Huỳnh Kha Linh, nuôi sò của Nguyễn Vũ Kha… tạo công ăn việc làm cho ĐVTN, cải thiện kinh tế gia đình cho từng đoàn viên và đang nhân rộng đến thanh niên trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Với những kết quả đạt được như trên, Chi đoàn ấp Lung Vinh luôn đi đầu trong các phong trào, được xếp loại vững mạnh tiêu biểu hàng năm. Với những nỗ lực và cống hiến không ngừng, Tấn Phới vinh dự nhận được nhiều giấy khen, Bằng khen của Tỉnh Đoàn đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên từ năm 2014 – 2018. Đặc biệt, anh vinh dự là một trong 87 cán bộ Đoàn trong cả nước nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *