10 năm, đào tạo nghề trên 370 ngàn lao động nông thôn

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 39 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Đề án. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng (trái) trao Bằng khen cho tập thể.

Giai đoạn 2010 – 2020, tỉnh Cà Mau đã thực hiện đào tạo 370.831 người. Trong đó, đào tạo trung cấp và cao đẳng 15.810 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 là 110.779 người; đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng 241.952 người.

Riêng năm 2020, thực hiện đào tạo 35.000 người. Trong đó, trung cấp và cao đẳng 1.955 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 là 8.000 người; đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng 25.045 người.

Tổng nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956 giai đoạn 2010 – 2020 trên 185 tỷ đồng.

Đánh giá tại hội nghị, Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” đã đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, gắn đào tạo với sử dụng lao động đã qua đào tạo. Lao động sau khi học nghề xong có việc làm  mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất lao động cao hơn, thu nhập tăng hơn; sau học nghề, LĐNT thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nhóm sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá cao theo từng giai đoạn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực và thành tích đạt được của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong 10 năm triển khai, tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT” trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại, yếu kém. Đó là một số địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các hoạt động của Đề án, từ công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, tuyên tuyền, tư vấn học nghề, tổ chức đào tạo và xây dựng mô hình thí điểm trong đào tạo nghề, đến công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện công tác đào nghề của địa phương, đơn vị. Chính vì vậy, từng lúc, từng nơi kết quả đạt được thiếu bền vững và chưa đủ sức lan tỏa, nhân rộng. Mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ.

Một số mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đào tạo nghề gắn với mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất chưa đạt yêu cầu, dẫn đến mô hình không duy trì lâu dài và nhân ra diện rộng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *