7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã: Nhiều kết quả nổi bật

Pháp lệnh Công an xã được ban hành đã giúp lực lượng công an xã có đủ cơ sở pháp lý trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

GẦN 80% SỐ VỤ VIỆC ĐƯỢC XỬ LÝ

Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Tổng số công an xã trong toàn tỉnh hiện nay là 1.901 người, trong đó có 143 công an chính quy. Việc tuyển chọn, bố trí công an xã được triển khai thực hiện đúng tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn. Trên 90% cán bộ công an xã có trình độ học vấn từ THCS trở lên và đạt tiêu chuẩn về sức khỏe, có nguyện vọng và năng khiếu phù hợp với công tác công an xã. Bên cạnh đó, có khoảng 40% lực lượng công an xã trong tỉnh đã qua đào tạo trung cấp nghiệp vụ. Hàng năm, 100% trưởng, phó trưởng công an xã và công an viên được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, qua đó góp phần từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật để công an xã nắm vững và thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần làm dừng, làm giảm tội phạm về tệ nạn xã hội, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thực tiễn cho thấy, có gần 80% số vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở địa bàn do lực lượng công an xã xử lý, giải quyết. Trong 7 năm qua, lực lượng công an xã trong toàn tỉnh phát hiện, xử lý 11.535 vụ, liên quan 21.110 đối tượng. Các vụ việc đều được giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ và đúng pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Để có thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao, lực lượng công an xã ở các địa phương chủ động tiếp nhận tin báo của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Trong 7 năm, công an xã trực tiếp lập hồ sơ xử lý giải quyết theo thẩm quyền 9.400 vụ, liên quan đến 12.789 đối tượng.

Liên quan đến những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Công an xã, Đại tá Nguyễn Văn Tươi: Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2009. Nhưng một số thông tư, hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn chưa được ban hành. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, nhất là chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Phụ cấp, trợ cấp đối với công an xã, công an viên ấp còn thấp, chưa tương xứng với thực tiễn công việc, từ đó đã tác động đến tư tưởng của công an xã, một số công an viên bỏ việc hoặc xin thôi việc…

Hiện nay, trưởng công an xã được hưởng lương theo hệ số 1,75 (2.012.500 đồng/tháng), phụ cấp đối với phó trưởng công an xã là 1,35 (1.552.000 đồng/tháng), công an viên phụ trách ấp là 0,6 (690.000 đồng/tháng). Về chế độ Bảo hiểm y tế, được tính chung trong mức lương, phụ cấp hàng tháng. Riêng Bảo hiểm xã hội chưa triển khai được vì tiền phụ cấp thấp, ngân sách địa phương hạn chế, không đảm bảo để đóng Bảo hiểm xã hội cho các đối tượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Anh Trần Quốc Duy, Phó trưởng Công an xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Địa bàn rộng lớn, công việc khá nhiều nhưng nhiều năm qua chế độ phụ cấp của lực lượng công an xã là khá thấp. Mỗi khi triển khai đi công tác thì phải làm công văn đề nghị xin kinh phí UBND xã. Công cụ hỗ trợ, phương tiện hoạt động còn thiếu thốn. Anh em gắn bó với công việc vì tâm huyết và trách nhiệm, hầu hết ai cũng làm kinh tế thêm mới đủ trang trải cuộc sống gia đình”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết triệt để nhưng thực tiễn 7 năm qua cho thấy, Pháp lệnh Công an xã đã giúp lực lượng công an xã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *