8 năm “giữ lửa” thiện nguyện

Những phần cơm, suất cháo nghĩa tình là sự giúp đỡ, động viên những bệnh nhân nghèo sớm vượt qua bệnh tật.

Gắn bó từ những ngày đầu bếp ăn từ thiện được thành lập, bà Lâm Mỹ Ai, bếp trưởng, chia sẻ: “8 năm qua, có những người gắn bó đã lớn tuổi không thể tiếp tục cùng chị em nấu cháo, cũng có những người đã qua đời, nhưng bếp ăn vẫn tiếp tục duy trì và kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Dù có nhiều thay đổi, nhưng bếp ăn vẫn luôn đồng hành cùng những bệnh nhân nghèo”.

Để có được những bữa ăn cho bệnh nhân, các thành viên của bếp ăn từ thiện phải chia ca trực. 3 giờ sáng mỗi ngày, các thành viên tất bật nấu cháo, chuẩn bị để kịp giờ phát cho bệnh nhân, những người ở xa phải đến từ tối hôm trước. Làm việc vất vả, không công, phải tạm gác công việc gia đình, thậm chí phải tự bỏ tiền ra để đi lại.

Các thành viên trong bếp ăn từ thiện đa phần là nông dân, người trẻ độ tuổi 30, người lớn tuổi cũng đã gần 70, đến từ các xã: Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận, Khánh Hội… nhưng ở họ đều có điểm chung là tinh thần thiện nguyện, cùng chia sẻ với những bệnh nhân nghèo. Không chỉ đóng góp công sức, nhà ai có bó rau, cọng hành, hay bất cứ nguyên vật liệu gì, từ nước mắm, nước màu, dầu ăn, gạo… họ đều sẵn sàng đóng góp cho bếp ăn. Bà Lâm Mỹ Ai chia sẻ: “Có những lúc mệt mỏi, thiếu nhân sự, thiếu nguyên vật liệu, khó khăn, cũng có suy nghĩ thoáng qua là sẽ không làm nữa, nhưng chị em chúng tôi đồng lòng, vượt qua khó khăn. Cái tâm đã không cho phép chúng tôi dừng lại”.

Bà Lý Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện (đơn vị chủ quản bếp ăn từ thiện): “Từ thành công có được của bếp ăn từ thiện, chúng tôi tiếp tục vận động các mạnh thường quân ủng hộ để nấu cơm phục vụ cho bệnh nhân nghèo. Bắt đầu từ đầu năm 2016, ngoài việc duy trì nấu cháo và nước nóng hàng ngày, mỗi tháng bếp ăn có 4 ngày nấu cơm vào đầu tháng và giữa tháng”. Công việc cũng vì thế mà nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng các thành viên đều cảm thấy vui vì được góp công làm việc thiện. Do công việc nấu cơm đòi hỏi có nguyên vật liệu nhiều hơn, một số thành viên đã vận động chồng mình tham gia, đảm nhiệm những công việc nặng.

Những phần cháo, suất cơm tuy giá trị không cao, nhưng đối với những người đang nằm viện, thì những phần ăn miễn phí này trợ lực kịp thời trong lúc gặp khó khăn. Ông Võ Văn Lý (Khóm 4, thị trấn U Minh): “Nhà chỉ còn 2 ông bà già, con cái đi làm hết, cuộc sống khó khăn. Vợ tôi nằm viện, chi phí nhiều thứ phát sinh cũng vất vả lắm. May nhờ có được những phần cơm ăn miễn phí, chúng tôi rất biết ơn”.

Bà Nhung nhớ lại: “Những ngày đầu thành lập, hoạt động của bếp ăn rất khó khăn do thiếu nguồn vận động. Đến nay thì đã dần ổn định, hiện có những địa chỉ tin cậy sẵn sàng ủng hộ nguyên, vật liệu cho bếp ăn. Khi sắp hết đồ nấu, chúng tôi vận động là sẽ được đóng góp ngay. Người góp tiền, người góp của, các chị em góp công, vậy là có những suất cháo, phần cơm cấp phát đều đặn cho bệnh nhân. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì đã duy trì được bếp ăn từ thiện này”.

8 năm qua, không thể thống kê hết đã có bao nhiêu phần cơm, suất cháo cấp phát cho bệnh nhân nghèo, nhưng cái thấy được rõ nhất là hoạt động này đã góp phần lan tỏa việc làm thiện nguyện; giúp đỡ, động viên kịp thời cho những bệnh nhân nghèo vượt qua khó khăn, bệnh tật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *