An ninh năng lượng gắn chặt với phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “An ninh năng lượng gắn chặt với phát triển bền vững. Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng. Cũng từ nhận định đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ ngành năng lượng về nhiều mặt với phương châm “năng lượng phải đi trước một bước”.

Việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước. Đây là một nhiệm vụ rất khó và phải có thị trường mới có thể phát triển năng lượng một cách nhanh và bền vững. Cùng với đó, phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Bên cạnh thủy điện, điện gió, thì điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Hiện nay, ngành năng lượng nói chung, ngành điện lực nói riêng của Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực. Ngành năng lượng đã trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Theo đó, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh; sản lượng khai dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Sản lượng khai thác than thương phẩm tăng. Bên cạnh phát triển thủy điện, điện gió, thì điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay đối với ngành này chính là nguồn cung cấp trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Nghị quyết 55-NQ/TƯ ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị xác định: Cần phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 – 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); tổng công suất các nguồn điện đạt khoảng 125 – 139 triệu GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 – 600 tỷ KWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 – 115 triệu TOE. Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *