Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau

Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết phát biểu tại buổi làm việc.

Cà Mau hiện có 4.695 phương tiện có công suất từ 20 CV đến 1.000 CV; trong đó, 4.540 tàu đánh bắt và khai thác thủy sản và 155 tàu dịch vụ hậu cần. Nghề rê lưới chiếm tỷ lệ cao nhất, 51%; kế đến là nghề câu và nghề lưới vây, tập trung khai thác ở vùng lộng và vùng khơi. Thực hiện Nghị định số 30/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức, công tác quán triệt, triển khai thực hiện, quản lý nhân lực, tàu thuyền, phương tiện, nhân sự, các mô hình kết hợp đánh bắt xa bờ, gắn với giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên vùng biển.

Cụ thể: Huấn luyện cho ngư dân cách quan sát, phát hiện mục tiêu, phương pháp đấu tranh với tàu nước ngoài có hành vi xâm phạm vùng biển, các phương án bảo vệ tàu thăm dò của ta khi tàu nước ngoài gây khó khăn cản trở; huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên biển. Từ đó, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Riêng Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, cho vay đóng mới tàu, chỉ tiêu được giao là 100 tàu, trong đó, đóng mới 75 tàu khai thác và 25 tàu dịch vụ hậu cần. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt cho 67 trường hợp đủ điều kiện (53 tàu khai thác và 14 tàu dịch vụ hậu cần), các ngân hàng thương mại đã ký 22 hợp đồng tín dụng với vốn vay là 206 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 191 tỷ đồng (ngân hàng giải ngân 149 tỷ đồng, vốn chủ tàu đối ứng 41 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 7 tàu đủ điều kiện nâng cấp. Về chính sách bảo hiểm, có 772 tàu được hỗ trợ phí bảo hiểm, với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghị định 67 còn hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, đồng thời có những đề xuất kiến nghị xoay quanh những khó khăn, vướng mắc: Trang bị máy định vị trên tàu, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay, cần quy định mức tối thiểu tổng giá trị hàng hóa, nhiên liệu trên một chuyến biển, hướng dẫn chi tiết về chính sách thuế và phổ biến rộng rãi để được hỗ trợ, xác định giá trị con tàu khi tham gia bảo hiểm.

Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh có sự kết hợp chặt chẽ để hướng dẫn ngư dân hiểu đúng và thực hiện đúng các Nghị định; thắt chặt khâu quản lý hợp đồng lao động giữa chủ tàu và người lao động; cố gắng xây dựng những tổ, đội giúp đỡ hỗ trợ nhau đánh bắt trên biển, gắn với lực lượng dân quân trên biển.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác có buổi khảo sát thực tế tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *