Bảo hộ nhãn hiệu “Cua Năm Căn – Cà Mau”

Công đoạn thay dây trói cua và gắn tem.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Công ty TNHH Cua biển Nam (khóm Cái Nai, thị trấn Năm Căn), làm nghề kinh doanh mặt hàng cua đã gần 30 năm nay. Đến Năm Căn lập nghiệp vào năm 1991, ông Khởi làm nhân công cho vựa, rồi làm thương lái, sau đó tổ chức vựa thu mua và đã thành lập Công ty vào tháng 9/2019, đồng thời tham gia sử dụng NHTT “Cua Năm Căn – Cà Mau”.

Theo ông Khởi, cua ngon nhất hiện nay là ở khu vực ven biển phía Nam, chạy dài từ Rành Hào về Rạch Chèo; còn với cua nuôi trong vuông, phải nhắc đến vùng Năm Căn, Ngọc Hiển, nơi có phù sa bồi lắng, độ mặn quanh năm và ổn định.

Sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn về dây trói, nhãn mác để truy xuất nguồn gốc và có nhiều chủ cơ sở kinh doanh mặt hàng này chưa tham gia sử dụng NHTT, làm hạn chế quá trình phát triển nhãn hiệu; mới đây, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ dây trói cua với chất liệu dây dệt lụa, đặc biệt là tem phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây được xem là bước tiến quan trọng để cua Năm Căn – Cà Mau tiếp tục khẳng định thương hiệu, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Tem truy xuất nguồn gốc sẽ được xỏ qua càng cua và cắt dây sát bỏ đi, tránh tình trạng tái sử dụng.

Theo Hội Thủy sản huyện cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 16 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh cua biển, cua thương phẩm tham gia sử dụng NHTT “Cua Năm Căn – Cà Mau”. “Chúng tôi cùng với Hội Thủy sản huyện đã bàn bạc với nhau cách dùng dây trói và tem phục vụ truy xuất nguồn gốc sao cho phù hợp. Trong đó, tem sẽ được xỏ qua càng cua và cắt dây sát bỏ đi, tránh tình trạng tái sử dụng. Thống nhất sử dụng con tem này cho sản phẩm đưa ra thị trường trong và ngoài nước để làm tiêu chuẩn của thương hiệu; cơ sở mua bán nào không sử dụng đúng con tem này đều không phải là cua Năm Căn”, ông Khởi cho biết.

Với việc được ngành chức năng quan tâm bảo hộ nhãn hiệu, đặc biệt tại Hội chợ Thương mại và Du lịch Cà Mau năm 2019 đang diễn ra tại TP. Cà Mau trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau 2019”, huyện có các công ty, hợp tác xã tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm cua Năm Căn. Đây là cơ hội giúp sản phẩm đặc sản vùng sông nước tiếp tục mở rộng thị trường, vươn xa trong nước và cả quốc tế.

“Tại Hội chợ Thương mại – Du lịch Cà Mau, mặc dù lượng bán ra không nhiều, nhưng có một vài khách từ TP. Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề trao đổi hợp tác, kinh doanh. Các khách hàng này hiện tại đang tiêu thụ mặt hàng cua ở các thị trường ngoài nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Sigapore….”, ông Tuấn phấn khởi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *