Cà Mau với nhiều giải pháp giữ chân đảng viên, tránh tình trạng ly hương, bỏ sinh hoạt Đảng

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, công tác đảng viên ở các chi bộ khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau thường gặp nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến nguồn phát triển đảng viên và công tác quản lý đảng viên, đặc biệt là tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt đi làm ăn xa. Đây là vấn đề mà các tổ chức đảng, cấp ủy, chi bộ cơ sở trong tỉnh luôn trăn trở, tìm cách tháo gỡ. Từ đó, nhiều giải pháp hay, cách làm thiết thực được hình thành, triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, như: Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hình thức tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hợp tác phát triển kinh tế) phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương; gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tranh thủ các nguồn vốn ủy thác ngân hàng giúp đảng viên, đoàn viên, thanh niên nông thôn vay đầu tư phát triển sản xuất; nhân rộng, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất để cùng vươn lên; khuyến khích đảng viên tiên phong thực hiện các mô hình sản xuất; cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện các phong trào “Dân vận khéo” trong giảm nghèo, phát triển sản xuất, đảng viên giúp hộ nghèo vươn lên…Cũng từ đó, đã góp phần giải quyết được vấn đề sinh kế, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đảng viên, đoàn viên, hội viên, để họ an tâm bám đất quê hương lập nghiệp, tăng niềm tin vào Đảng, chuyên tâm gắn bó sinh hoạt Đảng tại chi bộ ấp, khóm…

Bài 1:

Thực trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên, đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng đi làm ăn xa

Tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt và thiếu nguồn phát triển đảng viên là 2 vấn đề tồn tại song song ở các chi bộ ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong nhiều năm qua. Điều đókhông chỉ gây khó khăn trong việc quản lý đảng viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ, tác động tâm lý đảng viên, làm suy giảm vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Bỏ sinh hoạt Đảng vì cuộc sống mưu sinh

Số đảng viên bị xóa tên, có nhiều đảng viên trẻ, hầu hết các đảng viên này đều thuộc diện không có đất sản xuất, hoặc có đất nhưng sản xuất không hiệu quả trong nhiều năm, từ đó họ chọn phương án đi làm ăn xa, hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Do không cố định nơi làm việc, nên không thể chuyển sinh hoạt Đảng, vì bỏ sinh hoạt dài ngày nên các chi bộ cơ sở buộc phải làm các thủ tục xóa tên theo quy định.

Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cà Mau, từ năm 2016 đến nay có trên 1.100 đảng viên đi làm ăn xa địa phương cư trú, trong đó 872 đảng viên bị xóa tên trong danh sách đảng viên do không tham gia sinh hoạt Đảng đúng quy định…Xảy ra vấn đề này, nguyên nhân phần lớn là do tư tưởng của đảng viên bị ảnh hưởng bởi cuộc sống mưu sinh và việc nhận thức chưa đầy đủ về Đảng.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Đảng bộ huyện Phú Tân gặp nhiều khó ởkhâu này. Đảng bộ huyện có 51 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 2.812 đảng viên. Từ năm 2016 đến nay, có đến 118 đảng viên ở các chi bộ cơ sở bỏ sinh hoạt Đảng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải đi làm ăn xa.Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: “Nhu cầu về kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đảng viên cơ sở bỏ sinh hoạt Đảng đã và đang xảy ra trên địa bàn huyện, cũng như thực trạng ở nhiều địa phương khác trong tỉnh những năm gần đây. Đa phần các đồng chí đều là đảng viên trẻ sống phụ thuộc gia đình, hoặc có gia đình riêng nhưng thiếu phương tiện sản xuất; hoặc sản xuất không hiệu quả, họ chọn cách đi làm theo thời vụ, nếu thu nhập ổn định có thể làm ăn lâu dài, với mong muốn cải thiện cuộc sống. Bởi với vai trò người đảng viên đòi hỏi phải tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…”.

Đồng chí Lê Ngọc Khôi, Bí thư Chi bộ ấp Đầu Sấu, xã Tân Hải, chia sẻ:“Chi bộ ấp có 20 đảng viên, thì hiện tại có 4 đồng chí xin miễn sinh hoạt Đảng do đi làm ăn xa. Chi bộ cũng đã động viên các đồng chí sắp xếp thời gian tham gia sinh hoạt chi bộ đảm bảo khung quy định, tuy nhiên vì điều kiện đi làm ăn xa – ở các công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh, như: Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh…Mỗi lần về khá tốt kém, xin nghỉ thì bị trừ lương, nên rất khó đảm bảo tham gia sinh hoạt đúng quy định”. 

Chi bộ Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời thiếu lực lượng đảng viên trẻ; đoàn viên thanh niên ưu tú để chăm bồi phát triển Đảng.

Tìm hiểu thực tế tại các vùng nông thôn trong tỉnh Cà Mau hiện nay, số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt đi làm ăn xa đa phần là đảng viên trẻ, một phần vì cuộc sống kinh tế khó khăn họ phải đi làm ăn xa, phần khác vì địa phương thiếu những mô hình kinh tế hỗ trợ về vốn để giữ chân lực lượng này; hoặc nguồn vốn hỗ trợ thấp, rất khó để thực hiện mô hình đạt hiệu quả như mong muốn.

Là một trong những địa phương của huyện Phú Tân có số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng khá cao, do đảng viên đi làm ăn xa, theo đồng chí Nguyễn Văn Thống, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Việt Khái: “Toàn xã có 14 chi bộ ấp và 11 chi bộ ngành Giáo dục, năm qua trên địa bàn xã có đến 22 đảng viên đi làm ăn xa. Người đứng đầu các chi bộ cũng đã có động thái nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đảng viên và động viên họ ở lại địa phương làm ăn, tuy nhiên vì không muốn giậm chân tại chỗ chấp nhận “cái nghèo”, họ quyết định đi làm ăn xa với hy vọng thay đổi cuộc sống…”.

Do kinh tế khó khăn nên đảng viên đi làm ăn xa khá nhiều. Từ đó, việc quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ tại các chi bộ cơ sở gặp nhiều khó khăn. Thực tế tương tự huyện Phú Tân, trong 5 năm (từ năm 2016 đến nay), Đảng bộ huyện Năm Căn có trên 100 đảng viên xin ra khỏi Đảng do đi làm ăn xa. Đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Bí thư Huyện ủy, cho biết:“Công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú được các tổ chức đảng thực hiện khá chặt chẽ. Hàng năm, số lượng đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện có 49 đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú; đa phần đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định, không có điều kiện để về sinh hoạt Đảng. Các công ty, xí nghiệp lại không có tổ chức Đảng nên đảng viên không có nơi để sinh hoạt Đảng. Bên cạnh đó, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ còn thấp; nhiều chi bộ chưa coi trọng tổ chức sinh hoạt chuyên đề; chưa thật sự thu hút; dẫn đến những suy nghĩ lệch hướng trong tư tưởng đảng viên…”.

Thông qua Chi bộ ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, tôi kết nối bằng điện thoại với gia đình chị Lý Thị Hương Lan, một trường hợp đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng của đơn vị. Gia đình cho biết, chị Lan hiện đang làm nhân viên cho một trường học tư học ở TP.Hồ Chí Minh. Chị Lan từng phụ trách công tác thủ quỹ xã Hàm Rồng, mặc dù rất thiết tha với Đảng, với công việc thực tế, nhưng vì hoàn cảnh như thế, buộc lòng chị phải chọn con đường đi làm ăn xa, trước mắt lo kinh tế gia đình.

Không riêng huyện Phú Tân, Năm Căn, một số địa phương kháctrong tỉnh Cà Mau cũng gặp khó khăn tương tự. “Năm 2019, dù huyện đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên, nhưng đảng viên xin nghỉ sinh hoạt và bỏ sinh hoạt chi bộ chiếm khá nhiều, có trên 30 đảng viên, chủ yếu do đời sống khó khăn, đi làm ăn xa. Đặc biệt, có những trường hợp là đảng viên có thâm niên nhiều năm tuổi Đảng nhưng vẫn xin nghỉ, với lý do khó khăn về kinh tế, hoặc điều kiện sức khỏe không thể tham gia sinh hoạt”,  Bí thư Huyện ủy Thới Bình Huỳnh Út Mười, thông tin.

Thiếu nguồn phát triển đảng viên

Phát triển đảng viên đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng. Lực lượng này sẽ góp phần trẻ hóa đội ngũ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác phát triển đảng viên trong toàn tỉnh Cà Mau gặp không ít khó khăn.

Năm 2008 Đảng bộ tỉnh Cà Mau có 24.739 đảng viên, đến cuối năm 2019 có 48.163 đảng viên, số lượng tăng gần 2 lần; giai đoạn này kết nạp 28.338 đảng viên, so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy là 27.200 đảng viên, vượt 4,18%. Nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng bộ tỉnh Cà Mau đề ra chỉ tiêu phát triển 10.000 đảng viên, bình quân mỗi năm 2.000 đảng viên, mặt bằng chung của tỉnh tuy đạt chỉ tiêu đề ra,nhưng ở một số địa phương, nhất là chi bộ cơ sở gặp những khó khăn nhất định, nhất là thiếu nguồn để phát triển đảng viên cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Bí thư Huyện ủy Năm Căn, thông tin: “Công tác phát triển Đảng trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn: Số lượng kết nạp đảng viên thấp, một số chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên (do không có nguồn). Chất lượng đảng viên tuy có tăng, nhưng so với yêu cầu vẫn còn mặt hạn chế về trình độ, chưa đa dạng về thành phần. Một số đảng viên sau khi được kết nạp, đảng viên xuất ngũ về địa phương phải đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động, bỏ sinh hoạt hoặc không làm thủ tục chuyển Đảng, xin ra khỏi Đảng dẫn đến xóa tên trong danh sách đảng viên.Năm 2019,công tác phát triển Đảng trên địa bàn huyệnchỉ đạt 92,95% chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 64,6% chỉ tiêu Nghị quyết (1.000 đảng viên)”.

Đối với huyện Phú Tân, công tác kết nạp đảng viên từ năm 2016-2019 đạt chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm, đến năm 2020 thì không đạt và không đạt chỉ tiêu Nghị quyếtnhiệm kỳ 2016-2020 đề ra. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: ”Chúng tôi không chỉ gặp khó trong công tác quản lý đảng viên, nhất là đảng viên bỏ sinh hoạt đi làm ăn xa; mà còn gặp khó trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Bởi thực tế, ở địa phương có những trường hợp hội đủ điều kiện, có nguyện vọng tham gia Đảng thì vướng về lý lịch, bằng cấp, sinh con thứ 3; việc tinh giản biên chế dẫn đến thực trạng già hóa, thiếu nguồn là đối tượng trẻ để chăm bồi, phát triển Đảng; đội ngũ đoàn viên, thanh niên ở cơ sở kéo nhau đi các tỉnh trên làm công nhân…dẫn đến thiếu nguồn phát triển đảng viên cơ sở. Chỉ tiêu huyện giao cho xã năm 2020 là kết nạp 20 đảng viên, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ kết nạp được 4 đồng chí. Nguồn phát triển đảng viên trên địa bàn xã hiện nay thì khan hiếm, Đảng ủy xã có cố gắng hết sức thì có lẽ cũng chỉ đạt tối đa 15/20 đồng chí, đạt 70%…”.

Theo lý giải của các địa phương thì việc tạo nguồn từ quần chúng ưu tú cho Ðảng ở khu vực dân cư cả ở thành thị lẫn nông thôn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, nguồn phát triển Ðảng chủ yếu dựa vào 2 đối tượng chính là thanh niên và các cán bộ đoàn thể.Tuy nhiên, những thanh niên có trình độ học vấn cao, nhận thức tốt đều đã đi làm việc hoặc học tập ở các trường. Số còn lại đa phần học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, ít có chí hướng phấn đấu; lực lượng cán bộ làm công tác đoàn thể như Mặt trận, phụ nữ… thì cơ bản đã lớn tuổi.

Công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ nhằm tăng lực lượng, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, hiện nay ở khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau, việc kết nạp đảng viên trong lực lượng đoàn viên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế, trong lực lượng đoàn viên, thanh niên hiện nay cũng đang vướng phải khó khăn tương tự: Đoàn viên, thanh niên nông thôn bỏ địa phương đi làm ăn xa khá lớn, dẫn đến thiếu nguồn phát triển đoàn viên…Đây cũng là một trong những ”hệ lụy”, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng thiếu nguồn phát triển đảng viên ở cơ sở.

Đồng chí Huỳnh Hảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: ”Tình trạng thiếu nguồn phát triển đoàn viên; đoàn viên, thanh niên bỏ sinh hoạt chi đoàn khóm, ấp rời địa phương đi làm ăn xa diễn ra khá phổ biến những năm gần đây. Mặc dù nhu cầu lao động tại tỉnh Cà Mau khá lớn, bộ phận thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, thực hiện mô hình tại địa phương; tuy nhiên với ”khí chất thanh niên”, họ vẫn ”thích” đi làm ăn xa để ”trải nghiệm”…Điều đó gây ra nhiều khó khăn cho công tác phát triển đoàn viên cơ sở, gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn phát triển đảng viên ở nông thôn…”.

Nhu cầu lao động ở các công ty, xí nghiệp trong tỉnh Cà Mau rất lớn, song đa phần có tâm lý và chọn đi làm ăn xa.

Số liệu thống kê từ Tỉnh đoàn, hiện toàn tỉnh có 36.055 đoàn viên, trong đó 7.979 đảng viên là đoàn viên đang sinh hoạt Đoàn; có 80.384 thanh niên chưa là đoàn viên, trong số đó có đến 48.978 thanh niên vắng mặt tại địa phương do đi làm ăn xa. Về công tác phát triển đoàn viên, từ năm 2017 đến nay, hầu như chỉ đạt 50-60% chỉ tiêu đề ra hằng năm và từ đầu năm đến nay chỉ kết nạp Đảng được 398 đồng chí, đạt khoảng trên 25% chỉ tiêu cấp trên giao (Trung ương giao kết nạp 1.579 đảng viên). Ngoài đối tượng bộ đội xuất ngũ, dân quân tự vệ, thì lực lượng đoàn viên, thanh niên cơ sở sẽ là đội ngũ kế thừa, chăm bồi phát triển Đảng, thế nhưng với thực trạng trên sẽ là ”rào cản” và gây không ít khó khăn cho tỉnh Cà Mau trong công tác phát triển và quản lý đảng viên, đoàn viên, thanh niên.Bởi tổ chức Ðảng là hạt nhân trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nếu hạt nhân đó quá mỏng, lại toàn tập trung những người có tuổi thì hiệu quả hoạt động của cả hệ thống cũng vì thế mà giảm sút, thiếu nhiệt huyết, sự năng động, nhạy bén từ “sức trẻ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *