Các đề tài, dự án khoa học gần hơn với cuộc sống

Từ năm 2016 – 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt 31 đề tài, dự án; tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ. trong đó lĩnh vực nông nghiệp 28 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ được hình thành và triển khai gắn với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bám sát quy hoạch của tỉnh.

Hàng năm, Sở KH&CN thực hiện từ 1 – 3 dự án “Xây dựng và bảo hộ, quản lý phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương”. Từ năm 2016 – 2018, đã tổ chức 5 hội đồng xét duyệt đề cương và 5 hội đồng nghiệm thu dự án; hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp hơn 800 giấy chứng nhận bảo hộ cho cơ sở, doanh nghiệp; hỗ trợ 18 dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đa số đề tài, dự án lĩnh vực khoa học kỹ thuật phát huy hiệu quả tốt trong ứng dụng, nhân rộng. Trong đó, một số dự án tiêu biểu như: Mô hình xen canh lúa – tôm càng xanh toàn đực tại xã Tân Bằng (huyện Thới Bình) và xã Khánh Thuận (huyện U Minh); nuôi thâm canh thẻ chân trắng; chọn giống lúa chịu mặn, năng suất, chất lượng cao; tác động của cây keo lai đến nguồn cá đồng, mật ong tại vùng U Minh Hạ…

Theo đánh giá, các dự án và đề tài khoa học đã dần đi vào cuộc sống.

Tại Hội thảo, đại biểu tham luận nhiều nội dung: Hiệu quả ứng dụng mô hình nuôi cua 2 giai đoạn, nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của ngành Y tế vào công tác khám chữa bệnh; giải pháp nâng cao chất lượng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN hàng năm; kết quả thực hiện mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho rằng cần đánh giá đúng thực trạng các đề tài, dự án gắn với trách nhiệm người nghiên cứu; đánh giá lại các đề tài đã ứng dụng trong thực tế, xác định tính triển vọng, cũng như tìm nguyên nhân của những đề tài được triển khai nhưng không hiệu quả.

Ông Lâm Văn Bi nhấn mạnh, trong chọn đề tài phải có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng và chiều sâu; nghiên cứu phải gắn từ sản xuất đến chế biến, bảo quản; phương pháp nghiên cứu phải đổi mới. Sở KH&CN là nơi tiếp nhận những phản ảnh của người dân, doanh nghiệp; trách nhiệm quản lý đề tài, dự án và triển khai nhân rộng, cần có sự tham gia của các sở, ngành và địa phương. Mong thời gian tới, Liên hiệp Hội quan tâm hoạt động tư vấn để chất lượng đề tài nghiên cứu đảm bảo và hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *