Độc đáo “Chợ đặc sản” ven đô

Một góc chợ đặc sản, đoạn cầu Giồng Kè đến cầu Bạch Ngưu, nơi tiếp giáp với địa phận xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Từ những mô hình của những nông dân sản xuất giỏi: Nuôi rắn hổ hèo của cựu chiến binh Trần Văn Lượng (Ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) hay nuôi rắn ri tượng, ri cá, của ông Vũ Đào (Ấp 6, xã Khánh Lâm), ông Đoàn Văn Lực (Ấp 14, xã Nguyễn Phích), bà Võ Thị Năng (Khóm 1, thị trấn U Minh); mô hình nuôi le le ở hộ anh Trần Văn Việt (Ấp 17, xã Khánh Thuận) cùng ở huyện U Minh; mô hình nuôi gà thả vườn tại trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Thanh (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời); mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm với quy mô lớn của anh Tô Thanh Phong (Ấp 1, xã Tắc Vân, TP. Cà Mau)… cho tới những hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ ở ngoại thành, đã góp phần làm nên “chợ đặc sản” có một không hai ở Tắc Thủ – cửa ngõ phía Tây Bắc vào TP. Cà Mau.

Lịch vàng ươm bán tại chợ được bắt từ các vuông tôm, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

“Hàng độc” rắn ri cá do chính người dân U Minh nuôi.

Chợ đặc sản nằm trên đoạn đường cầu Giồng Kè đến cầu Bạch Ngưu, nơi tiếp giáp với địa phận xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Chợ được hình thành vài năm nay, chuyên bán các loại đặc sản “hàng độc”. Từ loài bò sát: Rắn ri cá, ri tượng, hổ hèo, bông súng, rắn trun, lươn, lịch… cho tới loài biết bay: Le le, vịt trời, bồ câu, vịt xiêm, gà nòi và các loại đặc sản khác: Vọp, ốc…

Đặc sản chim bồ câu.

Đặc sản ốc bươu, ốc lác hiện nay thuộc hàng hiếm của Cà Mau.

Theo các thương lái, chỉ có khu vực này là nơi tập kết những thứ hàng ngon nhất của người dân miệt U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình làm ra. Đa số những thứ “hàng độc” này chuyên cung cấp số lượng lớn cho nhà hàng, quán xá nội thành TP. Cà Mau và các huyện vùng ngập mặn: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… đặc biệt là khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *