Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Kỳ 41: Khu di tích Quốc gia ngành Giao bưu và Vô tuyến điện Nam Bộ giai đoạn 1945 – 1954

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình (thứ 3 từ phải sang) tham gia cắt băng khánh thành.

Cách đây hơn 70 năm, bên dòng kênh xáng Chắc Băng hiền hòa (từ Kênh 3 đến Kênh 9), giữa rừng U Minh trùng điệp, dưới sự chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam, xưởng vô tuyến điện đầu tiên của Nam Bộ được thành lập. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, giữa sự sống và cái chết, giữa sự thiếu thốn vật chất, kỹ thuật nhưng phải gấp rút xây dựng nhanh một cơ xưởng lắp ráp máy bộ đàm vô tuyến điện và mở cấp tốc nhiều lớp điện báo viên, kịp thời cung cấp cho toàn chiến trường miền Nam, để phục vụ kháng chiến lâu dài – điều đó cho thấy quyết tâm, tinh thần dũng cảm, trí sáng tạo của các bậc tiền bối ngành Bưu điện. Trong những năm kháng chiến, nơi đây không chỉ có cơ quan Giao bưu và Vô tuyến điện, mà còn có cả Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, Sở Y tế quân dân y Nam Bộ… được nhân dân cưu mang đùm bọc, chở che cho cụm cơ quan Trung ương tồn tại trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình cùng ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó ban Thông tin Vô tuyến điện khu Tây Nam Bộ, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Minh Hải, bên Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của ngành Giao thông Liên lạc Nam Bộ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng ngày 30/12/1949.

Uống nước nhớ nguồn và để ghi dấu ấn lịch sử của ngành, năm 1996, Câu lạc bộ Kháng chiến, Tỉnh ủy – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) cùng với Bưu điện tỉnh xây dựng Bia truyền thống Vô tuyến điện Nam Bộ và Bia kỷ niệm Đài Phát thanh Nam Bộ, tại phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Uống (Kênh 6, xã Tân Bằng). Ngày 28/10/2016, cụm quần thể di tích được công nhận xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, nên công trình di dời về địa điểm Ấp 6 (xã Tân Bằng) hiện nay. Ngày 6/3/2019, Viễn thông Cà Mau thi công công trình ý nghĩa lịch sử ngành Giao bưu và Vô tuyến điện Nam Bộ giai đoạn 1945 – 1954. Công trình do Điêu khắc gia, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên thiết kế, có tính nghệ thuật cao.

Điêu khắc gia, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân (thứ 3 từ phải sang) giới thiệu thiết kế công trình Đài tưởng niệm.

Phát biểu ôn lại truyền thống ngành Giao bưu và Vô tuyến điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng nhấn mạnh: “Thông tin liên lạc là một vũ khí vô cùng quan trọng. Trong mọi cuộc chiến, kẻ thù với trang thiết bị, vũ khí hiện đại và thủ đoạn xảo quyệt, luôn tìm diệt, thám mã, vô hiệu hóa mạng lưới thông tin liên lạc của ta. Với ý chí cách mạng kiên cường, dũng cảm, mưu trí và đầy sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ giao bưu và vô tuyến điện đã luôn thể hiện bản lĩnh can trường, tuyệt đối trung thành với Đảng, Bác Hồ, đã vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo nối liền “mạch máu”  thông tin liên lạc thông suốt, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của đất nước – thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Kết thúc 9 năm kháng chiến, ngành Giao bưu và Vô tuyến điện đã có hơn 2.000 người đã hy sinh, thương tật”.

Giám đốc VNPT Cà Mau Lê Hoàng Phước trao 160 suất quà tặng các gia đình chính sách của 3 xã: Tân Bằng, Biển Bạch và Biển Bạch Đông đã chở che cho cụm cơ quan Trung ương trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng ghi nhận, trân trọng những tình cảm tốt đẹp, sự đóng góp của địa phương, đặc biệt là ngành Bưu chính Viễn thông ; đồng thời yêu cầu các ngành liên quan có phương án tiếp nhận, quản lý, giữ gìn và tôn tạo di tích phù hợp, đảm bảo công trình bền vững, phát huy tốt những giá trị truyền thống, lịch sử; phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ.

Đài tưởng niệm ngành Giao bưu và Vô tuyến điện Nam Bộ giai đoạn 1945 – 1954 có chiều cao 3,6m, chất liệu đá granite; phù điêu bê-tông cốt sắt giả đồng, kích thước 11,7m2, bia đá 1,2m2, lư hương bằng đá cao 1,1m. Bia đá men nung có in hình Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho ngành Giao thông Liên lạc Nam Bộ ngày 30/12/1949 và Huân chương Độc lập hạng Ba được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ngành Vô tuyến điện toàn Nam Bộ ngày 18/12/1954. Phần chính của tượng đài là hình ảnh hai cán bộ, chiến sĩ giao bưu, vô tuyến điện đang làm nhiệm vụ trên chiếc xuồng ba lá dưới rặng dừa nước, được phác họa cách điệu. Tổng mức đầu tư công trình 2,5 tỷ đồng, do Tập Đoàn Bưu chính Viễn thông và 22 bưu điện và viễn thông các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào đóng góp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *