Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau Kỳ 61: Mùa lấy mật ong ở U Minh Hạ

Trải nghiệm đi lấy mật ong cùng anh Phạm Duy Khanh tại Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).Kèo ong được mô phỏng theo cách thức dựng nhà, làm nhà bằng gỗ, có cây nống và cây nạng được cắm xuống đất và một cây kèo được gác bên trên.

Theo nghệ nhân Trần Văn Nhì (Ấp 2, xã Nguyễn Phích), thợ theo nghề gác kèo ong cha truyền con nối, cho biết: Gác kèo ong là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời, gắn liền với sinh kế người dân và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ. Một năm có hai mùa gác kèo ong: Mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa gọi là mùa khai thác mật nước, mùa nắng gọi là mùa mật hạn. Thuật ngữ “gác kèo ong” là do các bậc cao niên trong nghề đặt. Đây là hình thức dựng “nhà” để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để đàn ong đến sinh sống. Kèo ong được làm bằng gỗ, 2 cây được cắm xuống đất và một cây được gác bên trên. Cây dài hơn gọi là cây nống, cây thấp gọi là cây nạng và cây gác lên trên đầu của cây nống và cây nạng gọi là cây kèo. Những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong. Nghề gác kèo ong ra đời như vậy.

Tổ ong đủ mật mới được các thợ ăn ong khai thác.Dụng cụ đi khai thác mật gồm bình phun khói hoặc đuốc con cúi, quần dài, áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao cắt mật, thau, thùng chứa mật… Mật ong nguyên chất – đặc sản U Minh Hạ.

Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ khách du lịch. Tại các điểm: Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Khu du lịch Mười Ngọt, Khu du lịch Sông Trẹm…, du khách có thể tự mình trải nghiệm các kỹ thuật gác kèo, “ăn ong”, lấy mật và thưởng thức tàn ong non chấm mật, gỏi ong non, ong non chiên bột, rượu mật ong; hoặc mua mật ong, sáp ong… Nghề gác kèo ong trở thành sản phẩm du lịch rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khám phá và trải nghiệm.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Hai nghề truyền thống: Gác kèo ong, muối ba khía vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch. Cà Mau sẽ sớm làm lễ công bố và trao quyết định về hai di sản văn hóa này”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *